Mới đây, nhiều nhạc sĩ đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để lên tiếng về những tác phẩm của mình bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền.
Con mình thành con… người khác!
Câu chuyện bản quyền bắt đầu từ nhạc sĩ Giáng Son, sau khi chia sẻ bài hát “Giấc mơ trưa” do chính cô sáng tác, sản xuất, với giọng hát Khánh Linh, nằm trong album “Giáng Son” (2007) lên kênh Youtube của mình thì bị phía BH Media “đánh gậy bản quyền”.
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết, trước đó nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã từng xin bản phối “Giấc mơ trưa” để đi diễn và làm CD. CD do đơn vị Hồ Gươm Audio Video phát hành sau đó đã được BH Media mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube.
Trong khi đó, Công ty BH Media khẳng định, việc đánh bản quyền trên Youtube chỉ là sự nhầm lẫn. BH Media hiện là đơn vị đăng ký quyền sở hữu ca khúc “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên Youtube. Khi phát hiện bài hát của Giáng Son đăng tải, cơ chế quét tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.
Với khẳng định này của BH Media, ngay sau đó nhạc sĩ Giáng Son đã phản ứng trên Facebook cá nhân: Đổ tại Youtube quét là sai! Youtube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi.
Nếu network không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì ko có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media).
“Rõ ràng là BH Media đặt content ID khi không có quyền. BH Media không được phép bật content ID nếu đó không phải là tác phẩm mà đơn vị này có độc quyền sở hữu”, nhạc sĩ Giáng Son cho hay.
Không chỉ Giáng Son mà nhiều nhạc sĩ khác, khi đăng tải ca khúc do chính mình sáng tác lên Youtube đã bị tố vi phạm bản quyền. Nhiều ca khúc bị “đánh bản quyền” vô tội vạ trên Youtube, như trường hợp “Thằng bờm” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, “Việt Nam đạo Phật một niềm tin” của nhạc sĩ Tiến Mạnh, 2 album của ca sĩ Hồng Vy. Đặc biệt, 37 ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Khuê bị cho là vi phạm bản quyền.
“Những video đó đa phần là của tôi, do tôi sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Vậy mà các video này bị BH Media và một vài trang khác nhận là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người sáng tạo”, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho hay.
“Mạo danh” cả nghệ sĩ
Chuyện bản quyền trên nền tảng số càng trở nên “nóng”, khi vào ngày 9/11 nhiều nhạc sĩ đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để lên tiếng về những tác phẩm của mình.
Cho đến thời điểm này, ngoài nhạc sĩ Giáng Son thì các nhạc sĩ như: Ngọc Khuê, Ngô Tự Lập (đại diện nhóm nhạc M6), Trần Thanh Tùng, Bảo Chấn, Hoàng Sông Hương… cũng đã lên tiếng.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, có 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên Youtube. Theo đó, 100% quyền tác giả thuộc về các tác giả thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có 2 album “Giọt sương bay lên” và “Ngồi trên vách nắng” với 21 tác phẩm trả tiền cho Hồ Gươm Audio phát hành. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, bản ghi BH Media dùng để xác nhận bản quyền là bản ghi do chính tác giả sáng tác và đầu tư sản xuất.
Nguyễn Vĩnh Tiến cũng khẳng định anh vẫn nắm “quyền sản xuất”, vì chính anh vẫn là người chi trả. Do đó Hồ Gươm Audio không có liên quan để được phép ủy quyền cho bên thứ ba kinh doanh.
Năm 2020, Nguyễn Vĩnh Tiến đầu tư sản xuất liveshow “Tiền duyên” với chi phí gần 2 tỉ. Tuy nhiên, khi đưa chương trình lên Youtube thì lại bị hệ thống rà soát tự động xác nhận sở hữu 2 đoạn thuộc hai bài “Giấc mơ dai dẳng” và “Giọt sương bay lên”.
Bà Hoàng Thanh Phương – con gái ca sĩ Thu Hiền cũng xác nhận, một người cháu đưa ca khúc do NSND Thu Hiền thể hiện lên Youtube, nhưng bị thông báo là bản ghi đã được gắn bản quyền của kênh “NSND Thu Hiền - nhạc tuyển chọn”. Điều đáng nói là kênh này lại do BH Media sở hữu.
Không chỉ có hành vi “mạo danh” khi sử dụng tên, hình ảnh của nghệ sĩ Thu Hiền. Kênh Youtube này còn giới thiệu đây là kênh chính thức của NSND Thu Hiền, và “vào vai” nghệ sĩ để trả lời các bình luận, tương tác của khán giả.
Chị Phương cho biết, sau khi phát hiện ra các hành vi “mạo danh” một cách trắng trợn, chị đã yêu cầu BH Media phải chấm dứt việc sử dụng tên của NSND Thu Hiền trong việc thiết lập kênh. BH Media sau đó đã đổi tên kênh thành “Nhạc trữ tình tuyển chọn”.
Nhạc sĩ Ngô Tự Lập đại diện M6 cho biết đã cùng nhau sáng tác và đầu tư sản xuất 3 CD. Nhưng khi đưa các video này lên YouTube thì đều bị BH Media nhận là chủ sở hữu bản quyền.
“Chúng tôi không hề ủy quyền cho bất kỳ ai ngoài Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cũng không hề chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến bản ghi âm, ghi hình cho bất cứ ai”, nhạc sĩ Ngô Tự Lập khẳng định.