Chiều 18/4, thông tin từ UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Đoàn công tác liên ngành của huyện này vừa phát hiện thêm một số cơ sở chế biến lâm sản xả thải trực tiếp ra sông Mã, gây ô nhiêm môi trường.
Theo đó, ngày 18/4, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phát hiện Hợp tác xã (HTX) Hà Long, ở Bản Chăm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã có hệ thống đường ống xả thải ra sông Mã.
HTX Hà Long đã dùng hệ thống cấp nước sạch từ sông Mã vào để sản xuất, cùng với đó là hệ thống bơm xả thải trực tiếp ra sông Mã thông qua hệ thống đường ống chằng chịt.
Sau khi phát hiện sự việc, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã lập biên bản và cho phá hủy toàn bộ đường ống dùng để xả thải của HTX Hà Long.
Trước đó, ngày 17/4, đoàn công tác liên ngành của huyện Quan Hóa cũng đã phát hiện Công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân, ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân có chôn đường ống xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã.
Đường ống ngầm được chôn sâu khoảng gần 10m. Lực lượng chức năng của huyện đã yêu cầu công ty này đào toàn bộ đường ống ngầm lên, để xác định điểm xả thải.
Như vậy, đến thời điểm này, huyện Quan Hóa đã phát hiện, bắt quả tang 4 doanh nghiệp chôn lấp đường ống, xả thải ra sông Mã chưa qua xử lý, gồm: HTX Xuân Dương, ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân; Công ty chế biên lâm sản Bảo Yến, ở bản Đỏ, xã Phú Thanh; Công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân, ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân và HTX chế biến lâm sản Hà Long ở Bản Chăm, xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa).
Còn tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Nhà máy nước sạch thị trấn Phong Sơn đã phải ngừng sản xuất và ngừng cấp nước sinh hoạt cho người dân, do nước sông Mã bị ô nhiễm.
Ông Phạm Minh Vũ – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Do nước sông Mã bị ô nhiễm nên Nhà máy nước sạch (Công ty CP cấp nước Thanh Hóa) đã phải ngừng sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân từ ngày 15-17/4.
“Hôm qua (17/4) do trời mưa to, nước sông Mã dâng lên, nên hôm nay (18/4) nhà máy nước đã hoạt động trở lại. Người dân ở thị trấn Phong Sơn và một số xã lân cận đã được cấp nước sinh hoạt”, ông Vũ cho biết thêm.
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã đưa tin, do nguồn nước sông Mã ô nhiễm, hơn 50 tấn cá nuôi lồng và cá tự nhiên ở 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy bị chết.