Thanh Hóa: Cá chết hàng loạt trên sông Mã

GD&TĐ - Sau nhiều ngày tìm kiếm nguyên nhân cá chết, đến ngày 13/4, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn có hành vi xả nước thải chưa xử lý ra sông Mã.

Nước sông Mã đổi màu đen kịt.
Nước sông Mã đổi màu đen kịt.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận xả thải

Trước tình trạng các loài thủy sản chết bất thường trên sông Mã kéo dài, những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bá Thước đã quyết tâm truy tìm nguyên nhân. Đoàn kiểm tra đã gấp rút truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Mã, khiến các loài thủy sản chết hàng loạt.

Lực lượng chức năng đã huy động nhân công đào các điểm nghi ngờ có ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tại cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH Tân Thái Thanh. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này có 1 đường ống ngầm, khi đào lên thấy có nước màu vàng đang chảy ra từ đường ống.

Sau nhiều giờ đoàn kiểm tra làm việc, đại diện Công ty TNHH Tân Thái Thanh vẫn không thừa nhận hành vi xả thải của mình. Mãi tới 18 giờ cùng ngày (12/4), qua quá trình đoàn kiểm tra đấu tranh, bước đầu Công ty TNHH Tân Thái Thanh đã thừa nhận việc xả thải ra sông Mã.

Đến chiều tối 12/4, Công ty TNHH Tân Thái Thanh và Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Phú Thành (đều ở xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) đã thừa nhận có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã.

Cũng trong ngày 12/4, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn và Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành (đều ở xã Thiết Kế, huyện Bá Thước).

Khi đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến luồng của Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, thì công ty này thừa nhận có xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã vào tối 11/4.

Còn tại cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn, đoàn phát hiện 1 tấm bạt dạng lưới, màu đen. Tấm bạt này dài gần 10m, rộng khoảng 3m trải dọc ven bờ sông Mã, đoạn giáp với khu xử lý nước thải của công ty.

Đoàn kiểm tra đã thu thập mẫu nước thải cũng như huy động nhân lực, sử dụng máy múc để đào nhiều điểm nghi ngờ có ống ngầm xả. Hiện, đang chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: “Trong quá trình đoàn kiểm tra đấu tranh, bước đầu Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành và Công ty TNHH Tân Thái Thanh, đã thừa nhận việc xả thải ra sông Mã. Hiện, đoàn kiểm tra đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định”.

Sẽ xử lý nghiêm theo quy định

Người dân ở huyện Bá Thước vớt cá chết trong lồng nuôi dưới sông Mã.
Người dân ở huyện Bá Thước vớt cá chết trong lồng nuôi dưới sông Mã.

Sáng 13/4, ông Ngọ Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, cho biết: Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại phố Tráng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước), đã thừa nhận có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã.

Cũng theo ông Hải, Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH đã cho công nhân dùng máy bơm nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Khối lượng nước xả bao nhiêu và có hành vi xả liên tục nhiều ngày hay không, hiện đoàn kiểm tra đang tiếp tục làm rõ.

Ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Kết quả kiểm tra bước đầu, cho thấy: Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty TNHH Tân Thái Thanh và Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH đã khai nhận, có việc xả thải ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường hơn công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở này. Đồng thời, kiến nghị đóng cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở vi phạm.

Quy trách nhiệm đối với các cơ sở vi phạm, yêu cầu phải đền bù thiệt hại cho người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Huyện cũng sẽ đề nghị thu hồi giấy phép sản xuất vàng mã, yêu cầu các cơ sở này di chuyển vào các cụm công nghiệp để dễ quản lý (nếu còn nhu cầu sản xuất kinh doanh)”, ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, trước mắt, đối với những người nuôi cá lồng bị thiệt hại, huyện sẽ quyết định hỗ trợ người dân có cá bị chết trong phạm vi của ngân sách địa phương cho phép. Huyện Bá Thước cũng đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho người dân, để giúp bà con giảm bớt thiệt hại.

Trước đó, ngày 15/3, sau khi nhận được tin báo của các xã về tình hình cá lồng và cá tự nhiên trên sông Mã chết bất thường, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng lấy ngay mẫu nước, gửi đi xét nghiệm. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ngày 9/4 huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xác minh nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã, đoạn qua địa bàn huyện.

UBND huyện Bá Thước cũng đã báo cáo với các sở, ngành cấp tỉnh, để phối hợp xử lý. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân có biện pháp, kỹ thuật để khắc phục tình trạng cá chết.

Theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 đến 12/4, đã có hơn 15,5 tấn cá lồng của người dân và khoảng 480 kg cá tự nhiên chết trên sông Mã. Tình trạng cá chết tập trung ở các xã: Thiết Kế, Thiết Ống, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Ban Công, và thị trấn Cành Nàng.

Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bá Thước sẽ tiếp tục kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn đến ngày 16/4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ