Lời giải nào cho bài toán thiếu giáo viên mầm non?

GD&TĐ - Trên cả nước, các trường công lập hiện còn thiếu tới 45.000 giáo viên mầm non. Thêm biên chế và tăng năng lực đào tạo ở các trường sư phạm; gỡ khó cho các trường cao đẳng sư phạm... cần sớm được thực hiện.

Thiếu giáo viên mầm non sẽ ảnh hưởng lớn đến chăm nuôi trẻ. Ảnh minh họa.
Thiếu giáo viên mầm non sẽ ảnh hưởng lớn đến chăm nuôi trẻ. Ảnh minh họa.

Áp lực thiếu giáo viên mầm non

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non (GVMN) (tăng 2.604), bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp (tăng 0,02 giáo viên/lớp), tỉ lệ GVMN đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật giáo dục 2019 đạt 73,7. Các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Để đáp ứng yêu cầu biên chế GVMN ở các nhà trường, nhiều địa phương cũng tăng cường thực hiện tuyển mới GV theo quy định. Tuy nhiên, cho dù đã có nhiều cố găng nhưng trên cả nước, số GV còn thiếu ở các trường công lập là 45.242 người (cho dù đã được bổ sung 20.300 biên chế GVMN). Điều này gây khó khăn trong quá trình quản lý, không ổn định đội ngũ, khó khăn trong thực hiện chính sách đối với GV.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT đưa ra con số và phân tích những bất cập của tình trạng thiếu GVMN hiện nay, ông cho biết: Tỉ lệ GV/lớp các vùng đều tăng so với năm học 2019-2020 nhưng riêng vùng Đông Nam Bộ giảm 0,06 GV/lớp (tăng lớp nhưng GV không tăng mà lại giảm đi) và có một số tỉnh giảm như: Hải Phòng (-0,05 GV/lớp), Nam Định (-0,02 GV/lớp), Bắc Kạn (-0,04 GV/lớp), Yên Bái (-0,05 GV/lớp), Thái Nguyên (-0,07 GV/lớp), Đà Nẵng và Ninh Thuận (-0,2 GV/lớp)…

Giờ chơi của các cháu mầm non TP Yên Bái
Giờ chơi của các cháu mầm non TP Yên Bái

Tình trạng thiếu GVMN vừa có yếu tố khách quan lần chủ quan, số GV giảm ở một số tỉnh chủ yếu do chưa được tuyển bù cho số GV nghỉ hưu, trong khi tăng quy mô nhóm/lớp. Thực tế cho thấy, mặc dù bình quân GV tăng nhưng tại một số tỉnh bình quân GV còn ở mức thấp gây khó khăn trong quá trình phân công nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ.

NGND Lưu Xuân Giới, cho rằng: Thiếu GVMN đã được ghi nhận tại nhiều địa phương, tiếc là tình trạng này chậm được khắc phục. Thiếu GV nên nhiều trường MN không tuyển sinh trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đến trường; phòng học không sử dụng, trong khi trẻ phải đến học tại các nhóm, lớp độc lập tư thục thiếu cơ sở vật chất (CSVC) hoặc được chăm sóc tại gia đình, lãng phí về CSVC, giảm tỷ lệ huy động trẻ ở các địa phương.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực: Thiếu GV ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỉ lệ GV/lớp ở một số địa phương rất thấp. Nhiều nơi GV làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ; thu nhập của GVMN thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn (9-10h/ngày), ảnh hưởng cuộc sống của GV. Khắc phục thiếu GVMN hiện không chỉ là việc bổ sung biên chế cho các địa phương mà còn là tạo năng lực đào tạo cho các trường sư phạm.

Cần gỡ khó cho các trường

Là một trường đào tạo GVMN uy tín và chất lượng, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế, cho biết: Để đáp ứng yêu cầu đào tạo GVMN, trường thực hiện linh hoạt theo nhu cầu thực tế. Ngoài chương trình đào tạo chính quy, trường tổ chức các khóa học theo công văn đề nghị của UBND các tỉnh, các đơn vị liên kết đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực GVMN của địa phương, nhu cầu nâng cao trình độ và Chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.

Trước tình hình thiếu hụt một lượng lớn đội ngũ GVMN như hiện nay, nhà trường rất mong muốn được giao là đơn vị trung tâm, chủ chốt của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nói chung và GVMN nói riêng. Trước nhu cầu chuẩn nghề nghiệp GV để đảm bảo vị trí việc làm và phát triển chuyên môn của GV là rất lớn, trường đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho trường.

Thiếu GV ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh minh họa.
Thiếu GV ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh minh họa.

Nếu các trường ĐHSP tương đối thuận lợi thì các trường CĐSP lại đang gặp khó. PGS.TS Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chia sẻ: Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trung cấp, cao đẳng ngành sư phạm đang làm khó cho các trường. Theo đó, các trường sẽ không tham gia vào tuyển sinh và đào tạo sinh viên văn bằng hai, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Nếu muốn tổ chức đào tạo thì những trường này phải có hội đồng trường, trong khi đó các trường cao đẳng sư phạm bây giờ chưa trường nào có hội đồng trường. Các trường CĐSP giờ "ngồi im" hết, chỉ có đào tạo chương trình chính quy. Hạn chế này không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà trường trong hoạt động đào tạo, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và giáo viên vì không được phép đào tạo liên thông văn bằng hai, trong khi nhu cầu xã hội rất lớn, thực sự là lãng phí lớn.

Lý giải nguyên nhân, PGS Tuấn cho rằng: Quy định quá cứng nhắc, như ở trường chúng tôi có thể nói uy tín chất lượng hàng đầu cả nước về đào tạo GVMN, đội ngũ có đầy đủ học hàm học vị, năng lực đào tạo tốt, nhưng không được phép đào tạo. Chúng tôi vướng điều lệ trường cao đẳng chưa có, muốn thành lập HĐT nhưng không đủ tiêu chí vì quy định chủ tịch HĐT phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Để đi học cao cấp lý luận chính trị cần phải có chỉ tiêu, nhân sự phải nằm trong quy hoạch ban giám hiệu và phải được Bộ GD&ĐT duyệt cho đi học. Thời gian qua, nhà trường chưa chuẩn bị đội ngũ cán bộ đáp ứng đủ tiêu chí như yêu cầu để đi học cao cấp lý luận chính trị. Luật lao động mới quy định nam được tăng 3 tuổi, nữ được tăng 4 tuổi, nhưng đây là tuổi nghỉ hưu chứ tuổi quy hoạch thì lại chờ Ban tổ chức trung ương có hướng dẫn.

Thực tế cho thấy, các chương trình song ngành rất là tốt. Trường tôi trước đây có đào tạo song ngành mầm non với mỹ thuật, song ngành mầm non với tiếng Anh, song ngành mầm non với âm nhạc. Đây là 3 song ngành rất phù hợp với GDMN và cũng theo xu hướng chung của giáo dục quốc tế, bắt buộc phải có các ngành đào tạo và phương pháp giáo dục gắn với âm nhạc và mĩ thuật để phát huy tính sáng tạo của trẻ.
Nếu các trường sư phạm đẩy mạnh triển khai đào tạo song ngành này chúng ta sẽ có được đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, phát huy rất tốt hiệu quả đào tạo GDMN với phương pháp giáo dục mới. Thật tiếc là Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT với những quy định "cứng "đã khiến lãng phí nguồn lực đào tạo ở các trường CĐSP, trong khi nhu cầu xã hội đang đòi hỏi lớn. -  PGS.TS Trần Đình Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.