Giải bài toán thiếu giáo viên cho triển khai Chương trình SGK mới

GD&TĐ - Đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chương trình GDPT 2018 và thay SGK là bài toán khó đối với Nghệ An trong bối cảnh thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đặc biệt, bậc tiểu học đang thiếu hơn 2.000 giáo viên.

Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An)
Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An)

Thiếu giáo viên ở cả miền núi và miền xuôi

Huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) có 36 trường Tiểu học và THCS nhưng hiện thiếu tới 11 giáo viên Tiếng Anh. Với môn Tin học, bậc Tiểu học chỉ mới đáp ứng đủ giáo viên cho trường chuẩn quốc gia, các trường còn lại đang để trống. Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện thừa nhận: “Phòng đang rất khó khăn về đội ngũ giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học. Trong khi theo chương trình GDPT 2018, đây là 2 môn bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 trở lên”.

Bên cạnh đó, chất lượng GV cũng là điều băn khoăn. Hiện với môn Tin học, chủ yếu là giáo viên của trường học thêm văn bằng 2 hoặc chứng chỉ để về đứng lớp, nên chất lượng khó đáp ứng yêu cầu. Còn môn tiếng Anh, dù huyện có chỉ tiêu, nhưng qua nhiều năm không tuyển được giáo viên nào vì thực tế sinh viên ngành này dễ dàng tìm được việc làm ở vùng thuận lợi mà không cần phải lên vùng sâu, vùng xa.

Giáo viên Tiếng Anh là mơ ước của nhiều trường học vùng cao Nghệ An do nhiều năm liền có định biên nhưng không tuyển được.
Giáo viên Tiếng Anh là mơ ước của nhiều trường học vùng cao Nghệ An do nhiều năm liền có định biên nhưng không tuyển được.

Tình trạng thiếu giáo viên Tin học và Tiếng Anh cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương đồng bằng của Nghệ An. Trường THCS Nam Kim (huyện Nam Đàn) có 1 phòng Tin học có khoảng 20 máy nhưng không được sử thường xuyên.

Nguyên nhân theo thầy Lê Luận – Hiệu trưởng nhà trường – là máy móc hư hỏng nhiều, phải sửa liên tục. Mặt khác trường vẫn chưa có giáo viên Tin học, nên không thể tổ chức dạy cho học sinh. Môn học này vẫn là môn tự chọn. Nhưng năm học tới, Tin học là môn bắt buộc cho học sinh lớp 6, vì vậy nhà trường mong muốn Phòng GD&ĐT bổ sung GV và thiết bị dạy học để thực hiện chương trình SGK mới.

Không ít trường học tại Nghệ An có phòng máy nhưng chưa có giáo viên Tin học.
Không ít trường học tại Nghệ An có phòng máy nhưng chưa có giáo viên Tin học.

Liên quan đến việc triển khai chương trình SGK mới, khó khăn nhất là các trường tiểu học, vì thiếu giáo viên trầm trọng. Trường Tiểu học Tân Thượng (huyện Nam Đàn)  có 2 phân hiệu nên việc sắp xếp giáo viên và sinh hoạt chuyên môn gặp vất vả.

Cô Trịnh Thị Hoài Thu– Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chương trình mới chuyển từ giảng dạy truyền thụ kiến thức sang giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Chúng tôi đang lo lắng về đội ngũ giáo viên vì những người trẻ, tiếp thu nhanh đã ưu tiên cho khối lớp 1 của năm học này. Vì thế, triển khai chương trình SGK lớp 2 mới, chúng tôi rất khó lựa chọn người đảm nhận tốt yêu cầu mới, chưa kể trường đang thiếu 4 GV”.

"Chữa cháy" cấp bù giáo viên cho trường học

Huyện Diễn Châu, Nghệ An đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học để đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên dạy học 2 buổi/ngày là 1,4 giáo viên/lớp. Năm học 2020 - 2021, Phòng GD&ĐT Diễn Châu đã tham mưu UBND huyện cấp ngân sách cho các trường trả lương cho GV dạy tăng tiết trong điều kiện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng. Mức hỗ trợ là 3.500.000 đồng/giáo viên/tháng.

Ngoài bậc tiểu học, huyện Diễn Châu cũng cấp kinh phí cho trường mầm non thiếu giáo viên. Ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cho biết: “Mỗi năm, huyện cấp kinh phí khoảng 11 tỷ đồng chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên và hiện đã giải ngân ngân sách năm 2021 về cho các trường trên địa bàn. Với sự hỗ trợ này, học sinh trên địa bàn huyện Diễn Châu không phải đóng tiền học 2 buổi/ngày”.

Nhiều địa phương tại Nghệ An đang cấp ngân sách cho trường học trả chi phí dạy tăng tiết cho giáo viên để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học.
Nhiều địa phương tại Nghệ An đang cấp ngân sách cho trường học trả chi phí dạy tăng tiết cho giáo viên để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học.

Ngoài huyện Diễn Châu, một số địa phương khác cũng đã trích kinh phí cho các trường để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiểu học. Ví dụ huyện Nam Đàn trích khoảng 3,5 tỷ đồng tiền tăng buổi cho GV, huyện Quế Phong trích ngân sách hỗ trợ trường hợp đồng giáo viên các môn còn thiếu.

Trường Tiểu học Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) có 4 điểm lẻ, trong đó điểm bản Hạ Sơn có đầy đủ học sinh của 5 khối lớp. Số lượng học sinh của Hạ Sơn chỉ khoảng 40 em, và theo quy định sẽ 2 lớp ghép 2 – 3 và 4 – 5. Tuy nhiên, nhà trường đã tách lớp và bố trí đủ giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học, dù có lớp chỉ 5 học sinh.

Cô Sầm Thị Lâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Nọc cho hay: "Từ 2 năm nay, chúng tôi hợp đồng 2 giáo viên trẻ và bố trí cho điểm bản Hạ Sơn. Kinh phí cho giáo viên hợp đồng được trích từ nguồn lương chi trả cho lớp ghép và được Phòng GD&ĐT đồng ý.

Một giáo viên dạy lớp ghép sẽ được nhận 2 lương, nhưng việc dạy học sẽ không hiệu quả. Đặc biệt như lớp ghép 2 – 3 sẽ có cả chương trình mới lẫn chương trình hiện hành. Việc tuyển hợp đồng, thì mỗi bên thu nhập sẽ thấp hơn một chút, nhưng đổi lại học sinh sẽ được rất nhiều".

Vùng cao Nghệ An vẫn còn nhiều lớp ghép, gây khó khăn cho triển khai CT SGK mới.
Vùng cao Nghệ An vẫn còn nhiều lớp ghép, gây khó khăn cho triển khai CT SGK mới.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện đang thiếu hơn 2.000 GV tiểu học. Theo tính toán của Sở GD&ĐT, tỷ lệ giáo viên tiểu học của hiện là 1,32 giáo viên/lớp (trong khi đó theo quy định tối thiểu là 1,4 giáo viên/lớp). Có địa phương tỷ lệ này rất thấp, như thị xã Hoàng Mai là 1,17; Đô Lương, Quỳnh Lưu là 1,23; Nghi Lộc là 1,28.

Vì thế, để giải quyết bài toán đội ngũ, trường dạy học 2 buổi/ngày thu tiền theo hình thức thỏa thuận với phụ huynh HS căn cứ vào thực tế định mức GV.  Đối với vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí đủ GV và không thu tiền học sinh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thôn, xã mất chế độ đặc biệt khó khăn gây khó khăn cho nhiều trường Tiểu học và THCS Dân tộc bán trú. Vì vậy Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành thị đề nghị hỗ trợ kinh phí cho trường học tại địa phương đảm bảo thực hiện CT SGK mới.

“Nhìn chung năng lực của giáo viên các huyện miền núi còn thấp và việc phát triển đội ngũ về chất không thể ngày một ngày hai. Những giáo viên giỏi có, có năng lực thì đang về xuôi ngày một nhiều. Hiện, chúng tôi đang hi vọng năm 2021 huyện sẽ được cấp thêm chỉ tiêu và sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh và Tin học”, ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cho hay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ