Những địa phương này, đều đã hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ của ứng viên, lên danh sách thí sinh dự tuyển vòng 2. Tuy nhiên, qua thống kê, một số địa bàn của Quảng Ngãi được dự báo vẫn thiếu lượng lớn GV do số lượng dự tuyển ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Thậm chí, nhiều vị trí “trắng” ứng viên như GV Mỹ thuật, Công nghệ hay Tổng phụ trách đội…
Để giải quyết phần nào tình trạng thiếu GV ở bậc học mầm non, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, một số quận, huyện ở Đà Nẵng đã tiến hành tuyển dụngbằng hình thức xét tuyển GV mầm non như quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê. Đối với các bậc học khác, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và UBND các quận, huyện sẽ tạm thời hợp đồng ngắn hạn số GV đã hợp đồng trong năm học 2020-2021, hợp đồng mới trong chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao hoặc bố trí tăng giờ dạy GV để đảm bảo tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục theo quy định cho đến khi hoàn thành việc tuyển dụng GV.
Theo thống kê, hiện toàn quốc thiếu khoảng 95.000 GV, gần một nửa trong số đó là GV mầm non. Thiếu GV là một trong những vấn đề khó khăn nhất của đổi mới giáo dục. Ban giám hiệu phải đứng lớp, GV cùng lúc chủ nhiệm cả hai lớp, GV dạy liên trường với trường học có khoảng cách không quá xa nhau, dồn lớp… là những giải pháp tình thế mà các địa phương đang áp dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình – SGK mới, ngành GD-ĐT phải được phân bổ và tuyển dụng chỉ tiêu biên chế phù hợp với nhu cầu dạy học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV, trong đó có việc tăng quy mô dân số ở nhiều vùng trong khi công tác chuẩn bị về đội ngũ ở các địa phương chưa kịp thời. Việc phối hợp giữa ngành Nội vụ, Giáo dục và các đơn vị liên quan trong tuyển dụng, bố trí sắp xếp GV ở một số địa phương hiện chưa chặt chẽ, thống nhất.
Thậm chí, có nhiều địa phương không được giao bổ sung biên chế GV, cũng không có kinh phí chi trả cho GV hợp đồng trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, không ít nơi thực hiện máy móc, cơ học, tập trung cắt giảm GV mà không tính đến yếu tố vùng miền, cơ cấu môn học, tiết học, cấp học và nhu cầu định mức GV theo quy định. Chưa kể là nguồn tuyển ngày càng hẹp do yêu cầu chuẩn mới về trình độ đào tạo.
Bộ GD&ĐT đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ GV và dự báo nhu cầu cho Chương trình GDPT mới. Theo đó, căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 – 2022 đến năm học 2023 – 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 GV tiếng Anh và khoảng 2.000 GV tin học.
Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương còn thiếu GV; không tinh giản biên chế GV mầm non trong 3 năm từ 2019 – 2021. Với những địa phương chưa thể bố trí đủ theo định mức, trước mắt cho phép thực hiện hợp đồng lao động trong một số trường hợp cụ thể.
Trong kiến nghị gửi tới Bộ GD&ĐT, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu: Hiện nay, tình trạng SV ngành sư phạm được đào tạo ra trường có tỉ lệ được tuyển dụng khá thấp, trong khi đó, tại một số địa phương, tình trạng thiếu GV vẫn đang diễn ra. Cử tri đề nghị Bộ G&ĐT phối hợp với các Bộ ngành lien quan đổi mới phương án, cách thức để công khai rộng rãi về thông tin tuyển dụng GV đến tận các UBND cấp xã, để SV ra trường tăng cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia dự tuyển.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 115/2020 của Chính phủ, tuyển dụng, sử dụng GV là nhiệm vụ và quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, việc các Bộ, ngành Trung ương đưa ra giải pháp chung để khắc phục tình trạng thiếu GV là chưa đủ.
Việc thiếu GV chỉ có thể giải quyết căn cơ khi các địa phương phải nghiêm túc, phù hợp trong xây dựng chỉ tiêu, tổ chức tuyển dụng, đảm bảo đủ cơ cấu bậc học và môn học, có sự điều tiết GV cục bộ. Ở một hướng khác, việc đào tạo sư phạm theo đơn đặt hàng của địa phương, yêu cầu của việc triển khai Chương trình GDPT mới cũng sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển, đồng thời góp phần giảm tỉ lệ SV sư phạm thất nghiệp sau khi ra trường.