Thanh Hóa: Tài xế xe chở vịt bị tai nạn ở Quảng Bình nói gì?

GD&TĐ -Thông tin về vụ lật xe tải chở vịt ở tỉnh Quảng Bình xảy ra vào ngày 10/6, sau đó nhiều người dân đã "hôi vịt" như thế nào, đươc tài xế chiếc xe này chia sẻ lại với GD&TĐ vào sáng nay (15/6).

Tài xế Tạ Hồng Dương và bố đẻ của mình tại nhà riêng.
Tài xế Tạ Hồng Dương và bố đẻ của mình tại nhà riêng.

Mấy ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội xôn xao về vụ chiếc xe tải chở vịt bị tai nạn giao thông ở tỉnh Quảng Bình. Sau khi xảy ra tai nạn, hàng nghìn con vịt chạy tán loạn ra đường và một số người dân Quảng Bình đã tham gia “hôi của”... 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, lụp sụp nằm ở giữa thôn Đầm Sen (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), anh Tạ Hồng Dương (32 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn. Vì tránh một em bé đi xe đạp tạt ngang qua đường, chiếc xe do anh Dương điều khiển bị lật, làm cho hàng nghìn con vịt tràn ra ngoài. Anh Dương, kể: “Ngày 9/6 vừa qua, tôi lái xe chở 1.600 con vịt bơ từ tỉnh Nam Định vào Đà Nẵng. Khoảng 7h15’ sáng 10/6, khi xe chạy đến thị trấn Quán Hàu (đường tránh thành phố Đồng Hới), thì có một em bé đi xe đạp bất ngờ sang đường. Tôi vội vàng đánh lái để tránh em bé, thì xe va vào cột mốc bên đường và bị lật ngang. Khi chiếc xe lật, kính chắn gió bị vỡ, tôi và anh Trường (phụ xe) mắc kẹt trong ca bin, nên tôi phải phá kính chắn gió để ra ngoài. Tôi chỉ bị thương nhẹ, còn anh Trường bị gãy chân. Sau khi thoát ra ngoài, tôi phải mở cửa thùng xe cho vịt chạy ra ngoài, vì sợ chúng giẫm đạp nhau mà chết. Do đó, hơn 1.000 con vịt đã chạy tán loạn”.

Anh Tạ Hồng Dương (áo đen) đang kể lại sự việc cho phóng viên.
Anh Tạ Hồng Dương (áo đen) đang kể lại sự việc cho phóng viên. 

Cũng theo lời kể của tài xế Dương, lúc bị tai nạn, người dân ở xung quanh đó đã chạy ra bắt vịt lại cho anh. “Có rất nhiều người tốt, đã chạy ra cứu giúp và lùa đàn vịt để gom lại cho chúng tôi. Thế nhưng, cũng có một vài người bắt vịt mang đi. Sau đó, lực lượng công an đến hiện trường để giải quyết và giúp chúng tôi thu gom đàn vịt. Tuy nhiên, khi số vịt gom lại được, chỉ còn 400 con. Còn 1.200 con vịt thì một số chết và một số bị mất”.

Ông Tạ Quang Thúy (70 tuổi) là bố đẻ của Dương, cho biết: “Rất may, vụ tai nạn giao thông không ảnh hưởng đến tính mạng con trai của tôi. Nhưng hiện nay, vợ chồng cháu rất lo lắng, vì không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để đền trả cho người ta. Bản thân tôi già rồi, lại bị nhiễm chất độc da cam, còn mẹ cháu cũng đã gần 70 tuổi, không làm được việc gì nặng. Hai ông bà ở nhà trông nom hai đứa con cho vợ chồng Dương đi làm. Là lao động chính trong nhà, nên Dương đi lái xe thuê cho người ta, còn vợ nó hiện nay làm công chức xã, mỗi tháng được vài triệu bạc. Ngoài việc chăm lo bố mẹ già, hai đưa con nhỏ, vợ chồng Dương còn phải nuôi thêm hai đứa cháu là con trai của chị gái. Cách đây mấy năm, bố mẹ chúng nó làm ăn thua lỗ, nên phải vào miền Nam sinh sống, vì thế gửi hai đứa con lại nhờ ông bà, cậu mợ nuôi nấng cho chúng ăn học”.

Chiếc xe do anh Dương cầm lái bị lật ngang. Ảnh: anh Dương cung cấp.
Chiếc xe do anh Dương cầm lái bị lật ngang. Ảnh: anh Dương cung cấp. 

Theo tính toán sơ bộ ban đầu của chủ xe và tài xế Dương, vụ tai nạn đã khiến chiếc xe tải hư hỏng rất nặng. Kinh phí sửa chữa, phục hồi chiếc xe này ước chừng hơn 100 triệu đồng, chưa kể thiệt hại 1.200 con vịt, với giá trị khoảng 170 triệu đồng nữa. “Hiện nay, chủ xe giao toàn quyền cho tôi lo sửa chữa, phục hồi chiếc xe, vì gia đình anh ấy cũng phải đi vay mượn ngân hàng để mua xe. Sau khi sửa chữa xe xong, hai bên sẽ ngồi lại với nhau để tính toán tổng thiệt hại từ vụ tai nạn này. Tôi rất lo lắng, vì gia đình mình cũng rất khó khăn. Với số tiền ấy, không biết vợ chồng tôi phải vay mượn, xoay sở thế nào nữa. Tôi cũng đã xin gia đình anh chủ xe, cho tôi lo dần, nếu không thì tôi sẽ tiếp tục làm cho anh rồi trừ dần vào tiền công hàng tháng”- anh Dương tâm sự.

Số vịt được người dân Quảng Bình gom lại cho anh Dương sau vụ tai nạn. Ảnh: anh Dương cung cấp.
Số vịt được người dân Quảng Bình gom lại cho anh Dương sau vụ tai nạn. Ảnh: anh Dương cung cấp. 

Bày tỏ quan điểm về những thông tin trên một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho rằng; sau khi xe của mình gặp nạn, đã có rất nhiều người dân ở khu vực đó tham gia “hôi vịt”. Anh Tạ Hồng Dương, nói: “Thực tình, không ai mong muốn xảy ra tai nạn với mình. Khi gặp em bé đi xe đạp cắt ngang đường, tôi phải đánh lái để cứu người. Lúc xe bị lật ngang, chui ra ngoài được, tôi buộc phải mở thùng xe cho vịt ra ngoài, nếu không chúng sẽ giẫm đạp nhau mà chết. Trong lúc tôi gặp nạn, đã có nhiều người dân rất tốt giúp tôi gom vịt lại và cũng chỉ có một vài người chạy đến bắt vịt đi. Tuy nhiên, thông tin cho rằng, lợi dụng xe tôi gặp nạn, rồi người dân chạy đến “hôi vịt” là chưa chính xác. Tôi cũng mong cộng đồng mạng xã hội không nên loang tin, chia sẻ thông tin như vậy. Tôi và gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích, biết ơn cộng đồng mạng đã kêu gọi, quyên góp tiền để giúp đỡ tôi trong lúc này.”- anh Dương bộc bạch.

Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM trao 10 triệu đồng do cộng đồng mạng quyên góp cho tài xế Dương.
Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM trao 10 triệu đồng do cộng đồng mạng quyên góp cho tài xế Dương. 

Ngày hôm qua (14/6), nhà báo Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đã phát động một cuộc quyên góp của cộng đồng mạng, với mong muốn có kinh phí giúp đỡ anh Tạ Hồng Dương. Sáng nay, phóng viên của tờ này đã trao 10 triệu đồng từ sự quyên góp của cộng đồng mạng cho anh Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.