Sau 3 năm, trường vẫn bỏ hoang
Thực hiện đề án sắp xếp các trường THPT công lập đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập, giải thể 13 trường học, từ 101 xuống còn 88 trường. Đây là đề án nhằm giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức. Sau khi sáp nhập, nhiều ngôi trường đang bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.
Năm học 2018 - 2019, Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) giải thể với lý do “vị trí, quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh”. Đến năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi hơn 10.800 m2 đất của trường cũ giao cho địa phương quản lý.
Theo đó, UBND huyện Hậu Lộc có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý tài sản được bàn giao, lập phương án đưa quỹ đất vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay công trình này đang bỏ hoang, không có người trông coi bảo vệ khiến xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều bức tường mọc rêu, nứt nham nhở, cây cối cỏ dại mọc um tùm.
Theo lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc cho biết, huyện đang tính toán, báo cáo tỉnh xin thanh lý tài sản của Trường THPT Đinh Chương Dương để tổ chức đấu giá đất ở. Thế nhưng, do đang vướng một số quy định về quản lý tài sản công nên chưa thực hiện được.
Còn tại huyện Hoằng Hóa có hai trường: THPT Lê Viết Tạo và THPT Lưu Đình Chất thuộc diện dôi dư, đã sáp nhập. UBND huyện đang lên kế hoạch chuyển đổi thành mô hình trường liên cấp chất lượng cao tại trường Lê Viết Tạo cũ, còn trường Lưu Đình Chất chưa được tỉnh thu hồi, bàn giao.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Sỹ Nghiêm – Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, sau khi giải thể hai trường Lê Viết Tạo, Lưu Đình Chất, tỉnh có chủ trương giao kêu gọi nhà đầu tư để đấu giá tài sản và đất tại hai ngôi trường này.
“Ở ngôi trường Lê Viết Tạo, hiện có nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn đấu giá để đầu tư cho giáo dục. Theo quy định, doanh nghiệp nào muốn đầu tư thì phải xin ý kiến tỉnh và thực hiện đấu giá theo luật định”.
Cần giao cho người có nhu cầu thực sự
Cũng theo ông Nghiêm, quan điểm của huyện là, dù doanh nghiệp nào muốn đấu giá đầu tư, thì phải cam kết đầu tư với mục đích phù hợp, để phục vụ giáo dục hoặc ngành nghề khác.
“Đối với Trường Lê Viết Tạo, trước đây đã có một công ty chuyên đầu tư về giáo dục. Còn mới đây, cũng có một doanh nghiệp ở Hà Nội về đặt vấn đề tham gia đấu giá, đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên doanh nghiệp cũng chưa thể thực hiện được các thủ tục theo quy định”, ông Nghiêm cho hay.
Ông Nghiêm cho biết thêm, đối với hai ngôi trường Lê Viết Tạo và Lưu Đình Chất, hiện huyện đang hỗ trợ lương cho 2 người bảo vệ, với mức mỗi người 3 triệu đồng/tháng. Nếu không có người bảo vệ, trông coi tài sản, thì công trình sẽ xuống cấp, hư hại rất nhanh.
“Chúng tôi cũng đã dẫn nhà đầu tư đến tham quan, xem xét địa điểm và tài sản còn lại của 2 ngôi trường này. Vừa rồi, huyện cũng đã giới thiệu cho Công ty Giầy da Hong Fu về trường Lưu Đình Chất, để họ xem xét và có thể đặt làm xưởng gia công của công ty. Bởi lẽ, họ có thể sử dụng lại các phòng học, để sản xuất xuất”, ông Nghiêm cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, để các doanh nghiệp vào sử dụng được cơ sở vật chất của ngôi trường này, thì tỉnh phải cho phép đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất.
“Thế nhưng, vấn đề cơ bản là những người có nhu cầu thực sự thì liệu có thể đấu giá trúng khu đất và số tài sản đó không, hay lại bị người khác chen hồ sơ vào để “kìm” giá xuống. Do đó, cần phải tìm và thẩm định những đơn vị có nhu cầu thực sự, đồng thời loại những thành phần không có mục đích thực sự ra ngoài”, ông Nghiêm trăn trở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi giải thể 8 trường THPT, Sở Tài chính Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục chuyển giao một trường cho các địa phương quản lý sử dụng. Còn lại một số trường chưa được chuyển giao, do vướng thủ tục.
Bình luận