Thanh Hóa, 'Lạc vào ma trận' thẩm mỹ viện

GD&TĐ - Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân nào được cấp phép xâm lấn.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ không được phép nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ không được phép nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân nào được cấp phép xâm lấn, tuy nhiên nhiều cơ sở công khai quảng cáo, thực hiện đủ các loại dịch vụ thẩm mỹ.

Thách thức cơ quan chức năng

Theo tìm hiểu, các cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn Thanh Hóa chủ yếu đăng ký ngành nghề kinh doanh như: Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường, xoa bóp massage da mặt, chăm sóc da, trị liệu, làm đẹp, phun xăm... hoàn toàn không có dịch vụ xâm lấn.

Thế nhưng, không dừng lại ở chăm sóc da, phun xăm, nhiều cơ sở thực hiện các dịch vụ nâng mũi, cắt mí mắt, gọt cằm… Đáng nói hơn, một số cơ sở còn ngang nhiên quảng cáo trên trang mạng xã hội.

Tại một thẩm mỹ viện nằm cạnh chợ Đông Vệ, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), vào vai khách hàng, phóng viên đã được chủ cơ sở tư vấn dịch vụ nâng mũi (thông qua điện thoại, không có mặt trực tiếp tại thẩm mỹ viện).

“Nhà chị có các gói nâng mũi từ 8 đến 20 triệu đồng, đắt hay rẻ do chất liệu sụn. Chồng chị sẽ trực tiếp làm tại tầng 2. Chồng chị không phải là bác sĩ mà chỉ là y sĩ, cũng có chút kiến thức về vấn đề y tế nên em yên tâm. Nhà chị làm rất nhiều ca rồi”, chủ thẩm mỹ viện này cho biết.

Phóng viên sau đó có mặt tại một cơ sở thẩm mỹ trên đường Nguyễn Du, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa). Tại đây, đang diễn ra một ca phẫu thuật nâng mũi. Nhân viên tư vấn cho biết, tại cơ sở này bác sĩ sẽ thực hiện các dịch vụ nâng mũi, cắt mí mắt, tiêm căng da mặt…

Ngoài ra, một loạt các thẩm mỹ viện “mọc” ở trên đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) cũng treo biển quảng cáo với rất nhiều dịch vụ xâm lấn. Theo khảo sát, hầu hết các cơ sở đều dùng những lời lẽ quảng cáo tạo cảm giác uy tín cho khách hàng như đảm bảo sẽ thấy rõ kết quả sau 1 lần điều trị, hoặc cam kết hoàn lại tiền 100% nếu không như mong đợi…

Tuy nhiên, khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ thất bại, không như quảng cáo, chẳng khách hàng nào có thể lấy lại được khoản tiền đã mất. Thậm chí có nhiều khách hàng còn bị ảnh hưởng tới sức khoẻ phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Văn Trí, Trưởng Đơn nguyên phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ, spa trên địa bàn liên quan đến những thủ thuật, quá trình tiêm filer, đặc biệt là dị ứng vùng mặt, ngực, mông và những điều trị mí mắt, dị ứng chỉ mũi khá nhiều.

Có những trường hợp phải phẫu thuật lại, có những trường hợp nặng hơn phải chuyển ra bệnh viện lớn… Ngoài ra, cũng có trường hợp dị ứng thuốc gây tê phải cấp cứu.

Căn phòng để thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại một thẩm mỹ viện trên đường Âu Cơ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).

Căn phòng để thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại một thẩm mỹ viện trên đường Âu Cơ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).

Chưa có cơ sở thẩm mỹ nào bị xử phạt!

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế, tỉnh Thanh Hóa hiện có 58 cơ sở thẩm mỹ, trong đó, riêng TP Thanh Hóa là 46 cơ sở. Tuy nhiên, con số này chỉ là những cơ sở đã đăng ký kinh doanh thẩm mỹ với Sở Y tế.

Trên thực tế, Thanh Hóa có hàng trăm cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ vẫn đang hoạt động mà không có sự cấp phép của các cơ quan chức năng. Việc nhiều và loạn thông tin về thẩm mỹ viện hiện nay khiến người dân như đứng trước “ma trận” khi có nhu cầu về làm đẹp.

Ông Bùi Hồng Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y - Dược tư nhân, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ gửi về Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Do vậy, những cơ sở không đăng ký, thì Sở cũng không thể nắm được để quản lý.

Cũng theo ông Thuỷ, đối với những dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về lĩnh vực này.

Với quy định này, hiện tại Thanh Hóa có 58 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tư nhân được phép hoạt động. Trong đó, chỉ có một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân được thực hiện dịch vụ tạo hình thẩm mỹ có xâm lấn và chỉ với một thủ thuật duy nhất là treo chỉ căng da mặt.

Đáng nói, trước thực trạng các cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động không phép, đặc biệt là có nhiều cơ sở thực hiện “chui” các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn, nhưng từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa mới chỉ xử lý vi phạm hành chính các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nói chung. Riêng lĩnh vực thẩm mỹ viện, spa vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có bất kỳ cuộc kiểm tra hay xử phạt nào.

“Một số cơ sở thẩm mỹ, spa có hiện tượng thực hiện các thủ thuật xâm lấn“chui”. Thực trạng này các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nắm được. Chúng tôi cũng đã có chỉ đạo các địa phương xử lý quyết liệt, tuy nhiên vẫn chưa dứt điểm được. Việc để tồn tại các cơ sở làm đẹp không phép trên địa bàn, trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền xã, phường, thị trấn. Sở Y tế đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định chỉ đạo các huyện, thị, thành phố quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nói chung và các cơ sở hoạt động thẩm mỹ nói riêng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều khó khăn do gặp sự chống đối, né tránh và có cả sự chưa quyết liệt của chính quyền địa phương”, Trưởng phòng Quản lý Y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ