Hơn 70 cơ sở thẩm mỹ hoạt động 'chui' ở Hà Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mặc dù chưa có đầy đủ cấp phép của cơ quan chức năng, tuy nhiên hiện nay có hơn 70 cơ sở thực hiện hoạt động thẩm mỹ 'chui' trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Lực lượng công an ở Hà Tĩnh phát hiện, xử lý một cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép trên địa bàn (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).
Lực lượng công an ở Hà Tĩnh phát hiện, xử lý một cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép trên địa bàn (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Ngày 23/7, thông tin từ Công an Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 70 cơ sở cơ chăm sóc sắc đẹp, spa... Riêng tại TP Hà Tĩnh, chỉ trong 2 năm gần đây, có đến 20 cơ sở làm đẹp liên tiếp mở cửa, hoạt động khá nhộn nhịp trên các tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Hải Thượng Lãn Ông…

Không chỉ hoạt động chăm sóc sắc đẹp đơn thuần như đã đăng ký kinh doanh, nhiều spa còn thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe đối với khách hàng.

Để thu hút khách hàng, các cơ sở thẩm mỹ 'chui' trên đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn và có nhiều chiêu trò quảng cáo hấp dẫn. Đơn cử như dịch vụ nhấn mí tại các bệnh viện thẩm mỹ hay các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép đang thực hiện với giá 5 triệu đồng thì ở các spa chỉ mất 1,5 đến 2 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận, đến nay, Sở Y tế chưa cấp phép cho phòng khám thẩm mỹ nào thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.

Như vậy, tất cả cơ sở làm đẹp trên địa bàn tỉnh đều không có giấy phép hoạt động hợp pháp các dịch vụ xâm lấn như tiêm filler, bơm botox, cấy chỉ, cắt mí, nâng mũi… Các dịch vụ nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… đều là những thủ thuật có xâm lấn, phải được các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.

Nhiều dụng cụ tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Nhiều dụng cụ tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Thượng tá Nguyễn Hoài Việt - Trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ 'chui' tại Hà Tĩnh núp bóng dưới hình thức các spa chăm sóc sắc đẹp thông thường.

“Qua tìm hiểu thực tế, nhân viên tại các cơ sở thẩm mỹ 'chui' không phải là bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề. Để đối phó với các cơ quan chức năng, khi thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ thường được làm nhanh; lắp đặt camera từ vòng ngoài, vòng trong để đối phó. Khi khách có nhu cầu được đưa vào phòng kín trên tầng 2, tầng 3, thậm chí có người còn nhận làm thẩm mỹ tại nhà riêng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý”, Thượng tá Nguyễn Hoài Việt thông tin.

Để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, thời gian tới, Công an Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đầu năm 2022 đến nay, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ, Công an Hà Tĩnh phát hiện, xử lý 2 trường hợp hoạt động thẩm mỹ khi chưa có chứng chỉ hành nghề, xử phạt hành chính với số tiền 70 triệu đồng.

Theo quy định, một bác sĩ muốn hành nghề tạo hình - thẩm mỹ phải qua lớp đào tạo định hướng chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ từ 8 - 24 tháng tùy quy định mỗi trường. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề này, bác sĩ đó phải qua thực hành 18 tháng nữa và thực hiện tối thiểu 30 ca. Sở Y tế sẽ thẩm tra, xác minh trong trường hợp nghi ngờ người hành nghề báo cáo sai sự thật, không đủ số ca thực hành và thời gian thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ