Đưa vốn, bày cách làm ăn
Dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình ở xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thường Xuân, cho biết: Hiện nay, ở Luận Khê có 22 tổ vay vốn với hơn 1.086 hộ vay, với tổng dư nợ lên tới 24 tỷ đồng.
Đa số các hộ vay vốn ngân hàng đều đầu tư mua trâu, bò và phát triển nông, lâm nghiệp. Nhiều gia đình đã tự nhân được mô hình chăn nuôi, đồi rừng… và trở nên giàu có nhờ vốn ngân hàng CSXH.
Cũng theo ông Sơn, nhờ nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi của Nhà nước, nhiều hộ dân các bản, làng có tiền đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Những năm trước đây, bà con trong xã vay vốn Ngân hàng CSXH rất ít, vì vay được vốn rồi, cũng không biết nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại thu nhập. Vì vậy, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân đã cùng cán bộ xã, tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền ý nghĩa của việc vay vốn chính sách.
Từ khi tăng cường công tác tuyên truyền, đồng bào vay vốn nhiều hơn và đã biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập cao. Hiện nay, ở xã Luận Khê, đã có nhiều gia đình trở nên giàu có, là nhờ đồng vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH.
Được biết, để giúp người dân nghèo tiếp cận được với đồng vốn ưu đãi, các thôn, bản tổ chức họp bình xét cho từng hộ, xem hộ nào thực sự cần vay vốn. Sau đó, tổ trưởng tổTKVV tổng hợp, trình lên UBND xã xét duyệt. Khi UBND xã xét duyệt xong, thì gửi lên ngân hàng để cán bộ tín dụng xuống tận địa phương giải ngân.
Giàu lên nhờ vốn ngân hàng “người nghèo”
Gia đình vợ chồng anh Tạ Quang Duyên và chị Lang Thị Dung, ở bản Nhàng, xã Luận Khê, là một trong những hộ gia đình được vay vốn ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất.
Vừa ôm cỏ cho đàn bò của gia đình ăn, chị Dung cho biết: Đàn bò của nhà chị là nhờ vốn vay ưu đãi. Được Ngân hàng CSXH cho vay 25 triệu đồng ưu đãi từ những năm trước, gia đình chị Dung đầu tư mua hai con bê. Sau thời gian chăm nuôi, chúng sinh sản ra các lứa bê con, nhưng gia đình không bán mà cứ để vậy để nhân đàn.
Đến nay, đàn bò của gia đình chị Dung đã có gần 20 con bò. Không chỉ nhiều bò, mà gia đình anh Duyên, chị Dung còn tích cóp vốn liếng để phát triển rừng luồng và trồng mía.
“Nghĩ lại cái cảnh đói nghèo trước kia, khi chưa có vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH mà bây giờ tôi vẫn ngán ngẩm. Từ khi được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, gia đình tôi đã thoát được đói nghèo rồi. Hiện tại, gia đình tôi cũng đã có 7ha luồng và 1,5 ha mía đường nguyên liệu.. con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn” - anh Duyên cho hay.
Theo ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân, hiện nay hiện nay tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Thường Xuân đạt hơn 421, tỷ triệu đồng, tăng 25,582 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019.
Nợ quá hạn chỉ còn 395 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% và không có khoản khoanh nợ. Tỷ lệ thu lãi đạt 99%, thu tiền gửi qua Tổ TKVV đạt 98%. Không có xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% và hiện đã có 9/16 xã không có nợ quá hạn.
Cũng theo ông Sơn, tính đến cuối tháng 8/2020, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thường Xuân đã có số dư vốn huy động tại địa phương đạt 114,835 tỷ đồng (tăng 4,903 tỷ đồng so với 31/12/2019. Trong đó,huy động tiền gửi thông qua tổ TKVV đạt 29,507 tỷ đồng; huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư, tiền gửi thanh toán đạt 65.489 tỷ (tăng 1,927 tỷ đồng so với 31/12/2019).
“Thường Xuân là một huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Hầu hết các hộ dân ở đây đều có diện tích đất vườn đồi khá lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa, thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với vốn vay ưu đãi của ngân hàng…” - ông Sơn nhấn mạnh.