Thanh Hóa: Bất cập trong tuyển dụng giáo viên mầm non

GD&TĐ - Mặc dù đã có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ưu tiên xét hợp đồng lao động giáo viên mầm non đang hợp đồng lâu năm tại các trường, nhưng huyện Hoằng Hóa lại ưu tiên xét tuyển những người có trình độ Đại học. 

Trường mầm non xã Hoằng Chinh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)
Trường mầm non xã Hoằng Chinh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Điều này khiến hàng trăm nhân viên, giáo viên đang hợp đồng lao động với các trường mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa bức xúc và gửi đơn kêu cứu.

Tỉnh chỉ đạo một đường, huyện làm một kiểu?

Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có hàng trăm giáo viên, nhân viên mầm non trong diện hợp đồng lao động thời vụ với các trường mầm non. Nhiều giáo viên, nhân viên đã gắn bó, cống hiến với ngành từ 3 đến 6 năm.

Công việc vất vả, với mức lương chỉ vài trăm nghìn đồng (năm 2013) và đến nay tăng lên được 2 triệu đến 2,9 triệu đồng/ tháng (tùy vào từng trường), nhưng họ vẫn yêu nghề, miệt mài cống hiến cho ngành và mong chờ vào ngày được cơ quan chức năng quan tâm tuyển dụng.

Khi có Quyết định 3134/QĐ-UBND, ngày 23/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao số lượng hợp đồng giáo viên mầm non theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, số giáo viên này đã rất vui mừng, chờ đợi

Tổng số hợp đồng được giao là 1.200 người, trong đó, huyện Hoằng Hóa được giao 65 chỉ tiêu. Điều này khiến các giáo viên hợp đồng mang bao hi vọng sẽ được ký hợp đồng dài hạn để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ xét tuyển, căn cứ vào tiêu chí xét tuyển của công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thì sẽ ưu tiên xét hết hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp…

Điều này, khiến nhiều giáo viên thuộc diện hợp đồng trường có bằng Trung cấp sư phạm mầm non, mặc dù công tác nhiều năm, được cộng điểm ưu tiên vẫn không “chọi” được những người mới ra trường có bằng Đại học.

Từ những bất cập trong quá trình triển khai, nhiều huyện đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, như: huyện Yên Định, Quan Sơn, Thọ Xuân. Cụ thể: ngày 20/11/2017, UBND huyện Thọ Xuân đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Văn bản nêu rõ: “Theo Quyết định số 04/VBHN-BGD&ĐT ngày 24/12/2015 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường Mầm non, quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non; không quy định hệ đào tạo chính quy hay tại chức.

Theo hướng dẫn liên ngành sở Nội vụ, GD&ĐT, Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa thì quy định đối tượng xét hợp đồng là tốt nghiệp hệ chính quy; thứ tự xét lao động hợp đồng: Xét hết người đạt trình độ Đại học, sau đó đến trình độ Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp.

Như vậy, những người tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức và các hình thức đào tạo khác (không chính quy) thì không được dự xét hợp đồng.

Mặt khác, theo thứ tự xét như trên, thì những người đã có thời gian hợp đồng làm giáo viên dạy tại các trường mầm non, có nhiều kinh nghiệm và cống hiến nhưng không có cơ hội để được xét lao động hợp đồng, do bằng chuyên môn có trình độ Trung cấp.

Trong khi đó, có nhiều trường hợp mới ra trường chưa có thời gian hợp đồng làm giáo viên ở các trường mầm non nhưng có trình độ Đại học, Cao đẳng được trúng tuyển xét hợp đồng. Tình hình trên gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở địa phương”.

Từ ý kiến về những bất cập trong xét tuyển hợp đồng lao động giáo viên mầm non của nhiều địa phương, ngày 12/1/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 466/UBND – THKH về việc thực hiện xét hợp đồng giáo viên mầm non và giáo viên Tiếng Anh theo QĐ số 60/2011/QĐ-TTg.

Cụ thể, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: Để sớm tạo sự ổn định, phát triển bền vững cho ngành giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở GD&ĐT, Sở Lao động, thương binh và Xã hội, các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu hướng dẫn việc tuyển dụng hợp đồng giáo viên mầm non theo hướng ưu tiên xét những giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp theo quy định và có thời gian hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật, khách quan, công khai, minh bạch. Trong đó, về trình độ chuyện môn: Đối với giáo viên mầm non là Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non trở lên.

Đối với các huyện đã được chấp thuận kết quả xét tuyển và thực hiện tuyển dụng hợp đồng lao động giáo viên mầm non, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND các huyện rà soát số giáo viên nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác để bố trí, sắp xếp cho số giáo viên thuộc diện có thời gian hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa được tuyển dụng trước khi có ý kiến chỉ đạo tại văn bản này.

Thực hiện theo văn bản chỉ đạo này của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều huyện đã tiến hành xét tuyển ưu tiên những giáo viên đang hợp đồng tại các trường mầm non. Tuy nhiên, tại huyện Hoằng Hóa vẫn áp dụng tiêu chí xét trúng tuyển của công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước đó.

Ngày 15/3, huyện Hoằng Hóa công bố danh sách trúng tuyển với 65 người có trình độ Đại học, Cao đẳng, phần đông là người mới ra trường chưa có thời gian cống hiến cho ngành. Kết quả này khiến những nhân viên, giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn huyện vô cùng bức xúc.

Mong cơ quan chức năng làm rõ

Theo đơn kêu cứu của các giáo viên, nhân viên hợp đồng theo thời vụ tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa gửi báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Họ là những giáo viên, nhân viên hợp đồng trường tại các trường mầm non của huyện Hoằng Hóa có thời gian hợp đồng từ năm 2012, 2013 cho đến nay.

Khi ký hợp đồng với các trường mầm non, những nhân viên, giáo viên này đều đã có bằng Trung cấp sư phạm mầm non hệ chính quy. Trong quá trình công tác, họ cũng đã tranh thủ ngày thứ 7, chủ nhật và 3 tháng hè để theo học Đại học mầm non hệ tại chức và hiện họ đã có bằng Đại học hệ tại chức.

Trong quá trình công tác tại trường từ năm 2013 cho đến năm 2016, những nhân viên, giáo viên hợp đồng này luôn được các nhà trường báo cáo danh sách ra phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa và được phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa tổng hợp báo cáo danh sách lên Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tuy nhiên, khi thực hiện xét tuyển hợp đồng giáo viên mầm non theo chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, thì số nhân viên, giáo viên này không được ưu tiên xét tuyển mặc dù trước đó có công văn số 466/UBND – THKH của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo đơn kêu cứu của các giáo viên, nhân viên hợp đồng thì họ được gọi là nhân viên dinh dưỡng nhưng thực chất họ là giáo viên đứng lớp. Với những bất cập trong xét tuyển giáo viên mầm non tại địa bàn huyện Hoằng Hóa, những giáo viên này tha thiết mong cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ việc xét tuyển giáo viên mầm non hợp đồng của huyện Hoằng Hóa như vậy đã đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa hay chưa và đã thấu tình, thấu lý chưa?

Cần lắm sự nhân văn trong xét tuyển

Một giáo viên hợp đồng tại trường mầm non xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, cho biết: Năm 2013, tôi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non hệ chính quy, Trường Đại học Hồng Đức và được ký hợp đồng làm việc tại Trường mầm non xã Hoằng Trường. Hiện tại tôi đang dạy lớp trẻ 3 - 4 tuổi.

Là giáo viên mầm non công việc vất vả hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác. Do nhà cách trường hơn 10km nên hàng ngày tôi đến trường từ 6 giờ kém cho đến 18 giờ mới về đến nhà. Với mức lương 2,8 triệu đồng – 2,9 triệu đồng/tháng, nhưng chúng tôi vẫn tha thiết gắn bó với nghề.

Khi nhận được thông tin UBND tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn về hợp đồng với giáo viên mầm non, chúng tôi mừng lắm khi được làm hồ sơ dự tuyển.

Những tưởng sẽ có cơ hội trúng tuyển khi có ý kiến chỉ đạo quan tâm của Chủ tịch UBND tỉnh, tuy nhiên khi nhận được danh sách trúng tuyển chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng vì phần lớn các giáo viên đang hợp đồng lâu năm tại trường đều bị trượt do chúng tôi chỉ có bằng Trung cấp sư phạm mầm non.

Dù đã cố gắng đi học hàm thụ bằng Đại học tại chức nhưng tấm bằng Đại học tại chức này của chúng tôi cũng không được xét. Những người được trúng tuyển đợt này đa số là những người mới ra trường, chưa có thời gian cống hiến cho ngành.

Gắn bó nhiều năm với ngành, tôi mong ngành chức năng quan tâm, có những chính sách ưu tiên đối với những giáo viên đã cống hiến cho ngành. Hiện nay, chúng tôi rất lo lắng vì nếu sau khi tuyển dụng đủ giáo viên, chúng tôi có thể sẽ bị cho thôi việc.

Đôi mắt ngân ngấn nước, cô Nguyễn Thị Thuyết (SN 1985) - Nhân viên hợp đồng Trường mầm non Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa cũng tâm sự: Sau khi tốt nghiệp trung cấp mầm non hệ chính quy, năm 2014 tôi được ký hợp đồng lao động với nhà trường.

Công việc chính của tôi là nhân viên dinh dưỡng. Hàng ngày, chúng tôi phải làm việc từ 11 đến 12 tiếng/ ngày, đi sớm về muộn. Công việc vất vả với mức lương 2,9 triệu đồng/ 1 tháng (không có bảo hiểm xã hội, y tế), do nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp hỗ trợ. Vào 3 tháng hè không có lương, tôi phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống.

Vì yêu nghề, mong muốn được gắn bó với nghề mình đã học, tôi cố gắng phấn đấu làm việc với hi vọng ngày nào đó Nhà nước quan tâm để chúng tôi có cơ hội được tuyển dụng để ổn định công việc và yên tâm công tác. Tuy nhiên, khi có cơ chế tuyển dụng, dù đã có thời gian cống hiến cho ngành nhiều năm nhưng chúng tôi vẫn không được ưu tiên.

Cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng mầm non xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, cho biết thêm: Toàn trường có 390 học sinh với 24 giáo viên và 8 nhân viên hợp đồng. Hiện nhà trường vẫn còn thiếu 5 giáo viên theo định biên.

Nhiều năm nay, UBND tỉnh không cho tuyển dụng giáo viên, trong khi đó, số lượng trẻ ra lớp ngày càng tăng khiến nhà trường thiếu nhiều giáo viên. Nếu không có những nhân viên hợp đồng theo thời vụ thì nhà trường không thể tổ chức ăn bán trú cho học sinh được, chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, không thể phủ nhận vai trò cũng như những cống hiến của các nhân viên hợp đồng tại các trường. Chúng tôi mong cơ quan chức năng quan tâm ưu tiên khi có cơ chế tuyển dụng để những nhân viên đã có thời gian cống hiến cho ngành bớt thiệt thòi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhân viên hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được ký hợp đồng lao động với công việc là nhân viên dinh dưỡng nhưng thực tế phần lớn các cô vẫn tham gia đứng lớp do thiếu giáo viên. Nhiều trường mầm non có số giáo viên, nhân viên hợp đồng đông từ 20 đến 28 người, như: Hoằng Phụ, Hoằng Trường…

Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT Hoằng Hóa khẳng định, huyện Hoằng Hóa không có giáo viên hợp đồng tại các trường mà chỉ là hợp đồng nhân viên dinh dưỡng và các nhân viên này không hề tham gia đứng lớp.

Vì vậy, khi có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non theo quyết định của UBND tỉnh, huyện cũng nhận được công văn 466/UBND – THKH của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng xét thấy trên địa bàn huyện không có đối tượng hợp đồng lao động tại các trường nên thực hiện xét tuyển theo công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đó là ưu tiên xét hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp. Còn việc các nhân viên dinh dưỡng tham gia đứng lớp là do các cô tự nguyện, huyện không có trách nhiệm trong việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.