Thành công lớn từ những quan sát đời thường

GD&TĐ -Là những chàng trai cô gái còn rất trẻ tuổi nhưng họ đã có những “công trình nghiên cứu khoa học” đạt giải cấp Quốc gia. Đó là nhóm học sinh Phạm Minh Hùng, Nguyễn Thanh Sơn, Tạ Bích Huyền – Trường THPT Kim Liên (HN). Nhóm đã có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm trong chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và thời đại tổ chức.

Nhóm học sinh Huyền, Sơn, Hùng - Trường THPT Kim Liên (HN).
Nhóm học sinh Huyền, Sơn, Hùng - Trường THPT Kim Liên (HN).

Con gái làm khoa học - nhịn một chút để thành công

Nói về kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, Sơn, Hùng và Huyền cho biết: Đầu tiên, khi chọn đề tài cần quan sát, tìm hiểu kĩ những vấn đề nóng hiện nay, hoặc những vấn đề cần thiết trong đời sống.

Khi đã có đề tài, đừng nên bắt tay vào thực nghiệm ngay mà nên dành ra khoảng 2 tuần để tìm hiểu các tài liệu liên quan đến đề tài. Ví dụ như: Đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu,…Quan trọng nhất phải lập kế hoạch làm việc cho mình. Sau đó có thể bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu. Khi gặp khó khăn có thể xin hỗ trợ tư vấn từ thầy cô.

Cũng nói thêm về kinh nghiệm làm việc theo nhóm mà nhiều bạn trẻ hiện nay hay mắc phải, nhóm đưa ra lời khuyên: Nên phân công công việc rõ ràng cho từng thành viên, thường xuyên chia sẻ, bàn bạc, phân tích tiến độ công việc, ghi chép chi tiết, cẩn thận công việc đã xử lý, có nhật ký hoạt động cụ thể. Quan trọng nhất là cần đoàn kết, lắng nghe ý kiến của mọi thành viên trong nhóm.

Riêng đối với Huyền, là một cô gái, làm nghiên cứu khoa học đã khó nhưng quan trọng hơn là cần có được những điều kiện thuận lợi để bắt tay vào đam mê, đó là sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, thầy cô.

Trong quá trình làm việc có nảy sinh các bất đồng quan điểm là điều không thể tránh khỏi. Em và các bạn luôn bình tĩnh, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhau để đưa đến quyết định cuối cùng. Là con gái đôi khi cũng phải nhịn một chút nhưng điều đó lại đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Họ đã bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học khi đang là học sinh lớp 11. Từ những ý tưởng đơn giản trong cuộc sống, những quan sát cụ thể, họ đã đem lại thành công cho riêng mình và cho xã hội.

Phát hiện ra cây dương xỉ thủy sinh có thể làm sạch nước trong bể cá, họ đã nghĩ tới việc lấy cây dương xỉ để làm sạch nước hồ. Và cũng xuất phát từ thực trạng ô nhiễm nước hồ ngày một gia tăng hiện nay. Nhóm học sinh này đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ra những giải pháp để bảo vệ nguồn nước. Đề tài nghiên cứu từ khi 17 tuổi đã đem lại giải khuyến khích Quốc gia lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Rèn luyện độ “lỳ” trong nghiên cứu khoa học

Là giáo viên dạy Hóa học của trường THPT Kim Liên, và cũng là giáo viên hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học cho nhóm học sinh này, thầy Trần Mạnh Cường nói về những khó khăn khi hướng dẫn các trò của mình: Trong thực tế thực hiện đề tài với nhóm học sinh Hùng - Huyền - Sơn, chúng tôi đã có một thời gian dài khảo sát và thảo luận để lên ý tưởng.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có một lần phải chuyển hướng của đề tài do kết quả hướng nghiên cứu không như kỳ vọng. Quả thực, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn các em học sinh.

Thầy Trần Mạnh Cường trong chương trình giao lưu trực tuyến tại Báo GD&TĐ.
Thầy Trần Mạnh Cường trong chương trình giao lưu trực tuyến tại Báo GD&TĐ. 

Một phần là do độ khó của đề tài, một phần là do các em học sinh chưa quen tác phong nghiên cứu khoa học và lại phải phân chia thời gian cho học tập văn hóa, vui chơi giải trí,...

Với kinh nghiệm tham gia một số đề tài khoa học, tôi nhận thức được mức độ khó khăn của việc thực hiện các đề tài khoa học và tôi đã rèn luyện được khá tốt độ "lỳ" trong nghiên cứu khoa học.

Cá nhân tôi nhận thấy, hoàn toàn có thể phân bố thời gian cho cả việc dạy học và hướng dẫn học sinh. Thực tế tôi vẫn thường xuyên hoạt động nghiên cứu khoa học, và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học (phụ trách câu lạc bộ Hóa học của trường).

Dành thời gian nghiên cứu khoa học làm tăng kết quả học tập

Cũng theo thầy Cường, dành thời gian nghiên cứu khoa học không làm giảm thành tích học tập của các em mà còn giúp các em học tốt hơn. "Theo tôi nghĩ, các em học sinh luôn yêu thích và sẵn sàng hoạt động khám phá cái mới, nghiên cứu khoa học. Vấn đề chính của thầy cô và nhà trường là tạo điều kiện, tạo sân chơi phù hợp cho các em.

Về vấn đề giúp học sinh vừa học giỏi trên lớp, vừa đảm bảo được thời gian, sự đam mê nghiên cứu khoa học, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc này. 

Nếu các bạn muốn tham gia nghiên cứu khoa học, các bạn cần phải lập được kế hoạch để cân bằng giữa yêu cầu học và đam mê của mình. Giáo viên sẽ có vai trò cố vấn, định hướng cho các em trên cơ sở điều kiện cá nhân của các em để thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ này.

Dành thời gian cho nghiên cứu khoa học không làm giảm thành tích học tập mà còn khiến các em học tốt hơn. Các em đã có phương pháp làm việc tốt hơn, phát triển tư duy tốt hơn trong quá trình tiến hành hoạt động nghiên cứu."

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ