Nguy cơ bị xâm thực mạnh mẽ
Theo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, hiện khu di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng, người dân canh tác nông nghiệp cả trên tường thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân Thành cổ thậm chí đã được cấp “sổ đỏ” do sinh sống nhiều đời trên khu vực này. Một số đoạn trên mặt thành biến thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại... Vòng Thành Nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Nhiều đoạn hào trong Thành Nội cũng bị lấp để xây nhà và làm đường, hoặc bị cây và cỏ dại mọc um tùm.
Theo PGS.TS Lại Văn Tới, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, hiện nay tư duy bảo tồn Cổ Loa đang tập trung bảo vệ “lõi” là những công trình đình, đền, miếu mà quên đi thành và hào. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng mới tạo nên tính toàn vẹn và giá trị độc đáo của Cổ Loa.
Không để người dân ở “bên lề” bảo tồn
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, để bảo tồn và phát triển bền vững từ giá trị di sản Cổ Loa, cần tư duy “ngược”, coi thành, hào mới là vùng lõi bảo tồn chứ không phải là chỉ có vùng Thành Nội đang được định danh là “lõi” trong các quy hoạch hiện nay. Đồng thời, để phát triển bền vững, cần dựa trên quá trình tham gia của người dân - các chủ thể văn hóa chứ không phải họ ở lại “bên lề” di tích.
Đồng tình với quan điểm, bảo tồn di tích phải dựa trên lợi ích cộng đồng, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Khác với việc bảo tồn các di tích ở đô thị như phố cổ, bảo tồn những công trình còn tồn tại mang tính chất chính là công trình khảo cổ học như Khu di tích Cổ Loa, thì vai trò của Nhà nước rất quan trọng, theo xu hướng “bảo tồn từ trên xuống” do nhiều yếu tố tác động đến bảo tồn liên quan đến cơ chế chính sách và quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng theo xu hướng “bảo tồn từ dưới lên”, bởi chỉ có cộng đồng, các cá nhân, các tổ chức xã hội mới có đủ nguồn lực để bảo tồn được di sản cũng như giúp cho di sản sống cùng cộng đồng.