Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: “Cần cho con được quyền thất bại. Nếu con phải bước vào một cuộc chiến, thất bại không phải thước đo, đánh giá về con. Đón nhận thất bại để trẻ trở nên tốt hơn vào ngày mai”.
May mắn và thành công là điều ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống. Nhưng nếu con bạn phải đối mặt với những thất bại, hãy vui vẻ cùng con vượt qua bởi đằng sau đó là những bài học quý, những kinh nghiệm để có thành công vững chắc hơn trong tương lai.
Hãy cho con quyền được thất bại!
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ, tỷ phú Jack Ma từng chia sẻ, trong cuộc sống điều quan trọng không phải là chúng ta đạt được thành tựu lớn như thế nào, mà là trải qua những ngày tháng khó khăn và nhiều thất bại ra sao.
Jack Ma được biết đến vì đã xây dựng thương hiệu thương mại trực tuyến nổi tiếng Alibaba. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có điều kiện. Sau này trưởng thành, ông cũng từng bị từ chối nhiều lần khi đi xin việc hay phỏng vấn.
Nhưng Jack Ma luôn có thái độ tích cực trước mỗi lần thất bại và sau này ông đã rất thành công, trở thành tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc.
Không đạt được kết quả học tập như mong muốn, không vượt qua được kỳ thi nào đó là điều không một đứa trẻ nào mong muốn. Nhưng cũng đừng vì thế mà nản chí bởi đây chỉ là một trong nhiều bài kiểm tra, kỳ thi trẻ sẽ phải vượt qua trên con đường học tập của mình. Qua đó, con sẽ nhìn nhận đúng ngưỡng kiến thức mình đang có, là động lực thúc đẩy trẻ không ngừng cố gắng học tập hơn nữa.
Trẻ nỗ lực, cố gắng vượt qua trở ngại khó khăn để đạt được mục đích là tốt nhưng ganh đua, cay cú, không chấp nhận được khi mình thất bại sẽ rơi vào bi kịch.
Cha mẹ nên giúp con hiểu, trong đời người, ít ai không có lúc thất bại hoặc gặp khó khăn. Quan trọng là biết vượt qua nó một cách nhanh nhất để bước tiếp.
Hãy giúp con xây dựng kế hoạch học tập, hành động hợp lý và cách thực hiện theo từng bước. Con cần hiểu những giá trị trong cuộc sống nên hướng đến thay vì chỉ phấn đấu cho điểm số, danh hiệu, giải thưởng.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Cho con được quyền thất bại đi các cha mẹ ơi! Bằng việc ngưng mong muốn con mình phải hoàn hảo, phải chiến thắng. Bằng việc nếu con phải bước vào một cuộc chiến, sự thất bại không phải là một khủng hoảng, không phải là thước đo, đánh giá về con.
Thất bại luôn xảy ra bất cứ lúc nào và chúng ta đón nhận nó để trở nên tốt hơn vào ngày mai. Chứ thất bại không có nghĩa là sự kết thúc".
Thất bại không phải là vấn đề quá lớn. Nó có thể khiến trẻ tổn thương nhưng chúng cần học cách nhanh chóng vượt qua và lấy lại tinh thần. Có thể một vài người thành công ở những lĩnh vực nhất định nhưng không ai là chuyên gia ở mọi lĩnh vực và không chỉ một mình con bạn thất bại.
Đừng xấu hổ vì điều đó, sự thất bại là điều hiển nhiên và phổ biến. Có thể phải nếm thất bại lúc đầu nhưng trẻ sẽ nhận ra mình cần làm gì để có được thành công nếu chắc chắn đang nỗ lực hết sức.
"Thất bại là mẹ thành công"
Thất bại không phải là bị đánh bại mà là bài học để đứng dậy và quyết tâm để đạt được mục tiêu. Sự thất bại cho những đứa trẻ những trải nghiệm để biết vượt lên nỗi buồn, đặt cho mình những mục tiêu phù hợp, cách thực hiện phù hợp để đạt được kết quả tốt. Thất bại cũng giúp con biết trân trọng những giá trị của sự nỗ lực, của thành công.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm giáo dục trẻ em Hà Đông), trong cuộc sống chúng ta hay đánh giá thiên lệch, đề cao những người thành công và xem nhẹ những người thất bại.
Bên cạnh việc nói "thất bại là mẹ thành công"; "học từ thất bại", hãy dạy con một thái độ tôn trọng đúng mực đến cả những người thành công và thất bại, nghe những người thất bại nói cũng chân thành và chăm chú như nghe kể về thành công. Chỉ có vậy con mới thành công trên hành trình học tập của mình.
Cũng nhờ vậy, sau những thất bại đó, có nhiều bài học cha mẹ có thể dạy cho con mình. Nếu muốn con thành công, cha mẹ hãy dạy con biết trân trọng thất bại. Dạy con học hỏi từ những thất bại không phải vì con bạn sẽ tránh được những thất bại đó mà cha mẹ dạy con học cách giải quyết và làm thế nào để đối mặt với chúng.
Cha mẹ hãy chỉ ra những sai lầm con mắc phải từ đó con có thể học hỏi được nhiều điều và có sự chuẩn bị tốt hơn. Khi biết thừa nhận sai lầm của bản thân, con mới có thể thay đổi để hoàn thiện.
Một lần không thành công không có nghĩa cả quá trình trẻ sẽ thất bại. Cha mẹ dạy cho con biết rút ra những bài học từ những thất bại đó. Trong học tập, trẻ sẽ biết kiến thức của mình ở ngưỡng nào và không ngừng nỗ lực. Từ đó, cha mẹ khuyến khích con thay đổi về phương pháp học tập cùng với sự quyết tâm, vượt qua các kỳ thi phía trước không phải là điều khó khăn.
Thất bại đôi khi không phải do thiếu kiến thức mà là do chủ quan. Chưa kể, trong giờ thi đôi khi chỉ vì muốn nổi bật con đã vội vã nộp bài. Trong học tập hay trong bất kỳ vấn đề nào, cha mẹ cũng nên dạy con đừng bao giờ chủ quan, tự mãn, sự cẩn thận luôn là điều cần thiết.
Một lần không là người dẫn đầu về điểm số mà rút ra cho mình được bài học như thế thì cũng nên lắm. Để con bạn hiểu rằng việc học chẳng bao giờ là đủ và không bao giờ là muộn.
“Thất bại cũng là một món quà giá trị mà cha mẹ có thể mang đến cho con mình, dành tặng con mình. Là cùng con nhấm nháp dư vị thất bại, tìm thấy những khía cạnh tích cực từ những thất bại cũng như cùng nhau học hỏi từ thất bại đó.
Thay vì chỉ tìm xem con sai ở đâu để dẫn đến thất bại, chúng ta cần quan tâm xem nên cải thiện điều gì để thành công nếu được làm lại điều này. Hoặc là chỉ đơn giản, cho con điểm tựa khi con thất bại. Một điểm tựa để trở về để được vỗ về, chia sẻ, tiếp sức vượt rào cản”, nhà văn Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.