Về chính sách hỗ trợ về lương, thời gian tham gia BHXH, Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Tại Điều 31, Luật Viên chức quy định: Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc làm việc ở vị trí nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí đó; người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó.
Theo quy định của Luật GD hiện hành, trình độ được đào tạo chuẩn đối với GVMN là trung cấp sư phạm. Do vậy, thang bảng lương được xếp như công chức, viên chức có yêu cầu trình độ đào tạo là trung cấp, trong khi lao động của GVMN khá vất vả. Để khắc phục thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số chính sách ưu đãi:
Mức phụ cấp ưu đãi đối với GVMN bằng hoặc cao hơn so với giáo viên các cấp học khác thuộc hệ thống giáo dục phổ thông trên cùng địa bàn. Trong đó, ưu tiên cho giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với mức phụ cấp cao nhất (mức phụ cấp 50%).
Căn cứ vào nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc GD trẻ của GVMN, Bộ GD&ĐT ban hành quy định chế độ giảm số giờ làm việc của GVMN trực tiếp trên lớp còn 6 giờ/ngày.
Quy định định mức giáo viên/lớp: Đối với nhóm trẻ, bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.
GVMN ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp theo chính sách của Chính phủ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với GVMN. Theo đó, GVMN nếu đủ tiêu chuẩn chức danh hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương theo bảng lương quy định. Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số theo quy định.
GVMN trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở GDMN công lập ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng với thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau).
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều hoạt động cụ thể cũng như chỉ đạo các địa phương có chính sách riêng hỗ trợ nhà giáo về đời sống vật chất và tinh thần, có sự chia sẻ, động viên kịp thời đối với những nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến cử tri, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của GVMN và phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, phát hiện bất hợp lý trong chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp để đề xuất chế độ tiền lương mới sau năm 2021 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó có chế độ lương của GVMN; Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, khảo sát để điều chỉnh quy định về chế độ làm việc và định mức giáo viên nhằm giảm áp lực và cường độ làm việc của GVMN; đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của GVMN lên CĐ sư phạm tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.