Hàng nghìn lượt khách đến đây, thăm lại chiến trường xưa, thành kính kính lễ trước những người đồng đội, những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cho hoà bình hôm nay.
Ban mai nơi cõi vĩnh hằng
Chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Trường Sơn từ rất sớm, ở đó đã có rất nhiều đoàn vào làm lễ, từng tiếng chuông ngân vang gọi đồng đội về, những nén hương được dâng lên cháy bùng, mọi người hành lễ ai cũng bảo các anh về đấy, các anh đang rất vui.
Trong không khí trang nghiêm là những tiếng nấc nghẹn lòng của trên những gương mặt của các cựu chiến binh, họ khóc vì mình may mắn còn sống, còn được về đây để thắp cho đồng đội nén hương và đốt điếu thuốc cùng nhớ lại những ngày chiến tranh khói lửa. Tại Nghĩa trang Trường Sơn nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ của khắp mọi miền Tổ quốc, ở đây có bia mộ có tên và rất nhiều bia mộ chưa biết tên, các anh nằm đó, giữa núi rừng và đất mẹ Quảng Trị anh hùng.
Chị Dương Thị Vân - Bắc Giang cho biết, là những thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình, trong chuyến đi về Quảng Trị đến những địa chỉ đỏ để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã cho chúng tôi hiểu hơn về những giá trị lịch sử, những khốc liệt của cuộc chiến và cả những đau thương.
Tại khu mộ của các liệt sĩ Hà Bắc, ở đó có rất nhiều mộ phần, các anh chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất. Từng đoàn du khách, cựu chiến binh và cả những bạn trẻ đi từng mộ phần thắp một nén hương tri ân những người đã ngã xuống.
Cựu chiến binh Lê Chí Chủ, 66 tuổi ở phường Trường An -TP Huế chia sẻ, xưa chú đi chiến trường Bình Trị Thiên, khốc liệt vô cùng, ngày nhập ngũ thì đông nhưng rồi vơi dần, số người trở về như chú rất ít, khi đến dịp tháng 7 những người cựu chiến binh lại tập hợp nhau tổ chức đi đến đây để thắp hương cho đồng đội. Hôm nay, đoàn gồm có 56 người đi từ sáng sớm, từ Nghĩa trang Trường Sơn đoàn đi tiếp vào Nghĩa trang Đường 9 và ra Thành cổ Quảng Trị.
Những nghĩa tình sâu đậm
Rời Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi đi tới Nghĩa trang quốc gia đường 9, nơi đây gần 1 vạn liệt sĩ yên nghỉ. Ở đây, chúng tôi thấy một khoảng lặng rất lớn giữa những tiếng nấc nghẹn lòng và hàng nghìn ngôi mộ chưa biết tên.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lân ở thôn Đan Nhiễm xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội cho biết, tới đây, những cái tên vừa lạ vừa quen của những người đồng đội đã hy sinh gợi lại cho mỗi người cựu chiến binh, thế hệ trẻ nhớ lại một thời chiến tranh khói lửa, những người đồng đội đã ngã xuống. “Trong chiến tranh tôi là một người may mắn sống sót qua các chiến dịch, nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống, người có tên và rất nhiều người chưa biết tên, mỗi lần được đến đây tôi rất vui, đồng đội ơi chúng tôi đến thăm các bạn đây”. Chú Nguyễn Đình Lân nghẹn ngào nói.
Thành kính kính lễ xong là từng người đi đến từng khu mộ, lặng nhìn những cái tên, và rất nhiều tấm bia chưa biết tên, người cựu chiến binh cứ lặng lẽ khóc, ai có mặt ở đây lúc này cũng vậy, xúc động vô cùng trước anh linh những anh hùng liệt sĩ.
Chị Lê Thị Tám, thuyết minh viên ở Thành cổ Quảng Trị cũng nghẹn ngào khi giới thiệu với chúng tôi về lịch sử của Thành cổ Quảng Trị và 81 ngày đêm khói lửa. Nơi đây, hàng nghìn người đã hy sinh nhưng không hề có một nấm mộ, không có một cái tên mà ở đó chỉ có một ngôi mộ chung như một mái nhà chung để các anh đi về.
Từng lời nói về dòng lịch sử ở Thành cổ như chậm lại, cho ta quay lại quá khứ, hiểu hơn về cuộc chiến, cũng như dòng sông Thạch Hãn ngày ấy được gọi là dòng sông máu với hàng nghìn người đã nằm lại dưới đáy sông. Với chúng tôi những người sinh ra sau chiến tranh, khi nghe những câu chuyện qua lời thuyết minh của chị Lê Thị Tám không ai cầm được nước mắt.
Ở đây chị Tám là người khơi nguồn lịch sử cho mỗi người khi tới đây, chị kể, chị tốt nghiệp khoa Luật Đại học Huế, trải qua nhiều đơn vị đến năm 2009 chị về làm thuyết minh ở Thành cổ, thuyết minh cho các đoàn chị rất vui, nội dung lịch sử như những thước phim quay chậm qua lời kể của chị đi vào lòng người, lịch sử đã ngấm vào máu và truyền cảm hứng cho chị thực hiện ngày một tốt hơn. Ngay cả những đứa con của chị cũng thấm lịch sử từ trong bụng mẹ, nên hai đứa đều rất ham học và tự hào về vùng đất anh hùng.
Chị Tám cho biết, những ngày tháng 7 trung bình khoảng 5.000 người đã đến tri ân tại Thành cổ, vào những ngày gần đến 27/7 sẽ đông hơn. Trên hành trình đến với Quảng Trị khi đến cuối ngày mọi người đổ về bên bến hoa bên dòng sông Thạch Hãn để cầu siêu và thả đèn hoa đăng, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ.
Vào mỗi dịp tháng 7, dòng người đổ về đây đông hơn so với ngày thường có ngày lên tới hàng vạn người, những gương mặt trẻ có, trung tuổi có và rất nhiều cựu chiến binh họ đã đến đây để chỉ gọi tên đồng đội, thắp một nén tâm hương cho những người đã nằm xuống.
Nhiều cựu chiến binh đến đây họ không còn lành lặn nhưng với những đồng đội nằm đây họ vẫn là những người may mắn, những ngày này, ai có điều kiện đều muốn được quay trở lại để thăm và gọi tên những người đồng đội của mình. Trong lúc làm lễ, những nén hương bùng cháy như một sự vui mừng của các anh khi đồng đội và người dân tới thăm.