Thăm vựa cá Đồng Tháp Mười

GD&TĐ - Đồng Tháp Mười được coi là vựa cá tôm của dải đất đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang rộng lớn. Nếu như nhiều vùng đất khác ở miền Tây phải tới mùa nước nổi tràn về nguồn lợi thủy sản mới dồi dào thì ngược lại, ở Đồng Tháp Mười người dân có thể đánh bắt cá tôm quanh năm.

Vựa cá chợ Trường Xuân
Vựa cá chợ Trường Xuân

Hoa mắt với chợ cá Trường Xuân

Là chợ cá lớn nhất ở vùng Tây Nam bộ, nói không quá đây cũng là chợ cá lộ thiên (khác với những chợ thủy sản quy hoạch tập trung trong nhà) lớn nhất cả nước. Bên cạnh việc nằm giữa trung tâm của Đồng Tháp Mười, chợ cá Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) luôn nhộn nhịp bởi vị trí đặc biệt của nó, là nơi giao nhau giữa hai con kênh đào quan trọng nhất miền Tây là kênh Dương Văn Dương và kênh Nguyễn Văn Tiếp. Nhờ hai tuyến kênh đào này mà ghe thuyền từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM có thể dễ dàng đi về các tỉnh miền Tây (và ngược lại) mà không cần phải vòng ra phía biển. Hai tuyến kênh này còn góp phần tạo ra một trong những chợ cá đồng lớn nhất ở miền Tây.

Không ai biết chợ cá đồng Trường Xuân có từ bao giờ, chỉ biết nó trở thành nơi trung chuyển thủy sản nước ngọt khoảng hai chục năm nay. Ban đầu chỉ vào thời điểm mùa nước nổi, các ghe thuyền ở khắp nơi như Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng hay Khánh Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường… khi đánh bắt được thủy sản mới đưa về chợ cá này để bán. Còn nay thì bán quanh năm.

Đặc biệt, hiện nay chợ còn là nơi tập kết của nhiều loại thủy sản đồng từ phía Biển Hồ (Campuchia) đưa về do nguồn cung trong khu vực không đủ. Nhờ vị trí thuận lợi, nơi đây nhanh chóng trở thành điểm trung chuyển của người bán và thương lái. Chợ được họp mỗi ngày 2 lần, vào sáng sớm và chiều tối. Mỗi phiên cũng thường chỉ một vài tiếng đồng hồ.

Một chủ vựa buôn bán cá da trơn ở chợ Trường Xuân, bà Vũ Thị Mấy làm nghề buôn bán thủy sản ở đây đã hơn 20 năm. “Hồi trước còn trẻ thì buôn bán lặt vặt trên chợ Trường Xuân nhưng sau đó, chuyển qua làm mối, làm vựa thu mua luôn. Khách của tôi hầu hết đều ở trên TPHCM, Tân An (Long An), Mỹ Tho.

Nhiều người chẳng cần tới đây nhưng vẫn làm ăn với nhau thuận lợi. Mỗi ngày, họ cần hàng gì, số lượng bao nhiêu thì báo cho mình. Khi có hàng thì mình chấp nhận, không đủ thì báo lại cho họ biết. Cũng có khi, nhất là những tháng mùa khô, hàng hiếm, vựa tôi chủ động cung cấp hàng, có bao nhiêu khách mua bấy nhiêu. Sau khi thỏa thuận giá, số lượng thì đưa vào thùng nhựa bơm oxy để xe tải chở lên thành phố. Tiền sau đó chuyển khoản là xong”, bà Mấy chia sẻ.

Những “đời cá” vùng nước ngập

Ông Nguyễn Văn Tú, 56 tuổi, một ngư dân nhiều năm gắn bó với nghề đánh cá cho biết, ông ngụ ở xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, Long An) nhưng vùng này, khắp các kênh rạch đều là nơi “cư ngụ” của ông. “Nhà mình ở dưới Vĩnh Châu A, ngay ven kênh Phước Xuyên nhưng chả mấy khi ở nhà. Hai vợ chồng suốt ngày trên ghe, đi từ kênh Phước Xuyên qua An Long, Bảy Thước, kênh Ngang hay xuôi xuống kênh Cá Rô, Nước Mặn rồi ngược về kênh Tháp Mười… Cá tôm bây giờ ít, phải đi nhiều, giăng lưới suốt ngày mới có cá. Mà gần nhà, vợ chồng tôi còn dựng chà để nửa tháng gỡ một lần kiếm thêm”.

Cũng theo chia sẻ của lão ngư này, mùa nào cũng như mùa nào, cuộc sống gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản của vợ chồng ông đều khá ổn định. “Mùa nước nổi tôm cá cua ốc nhiều hơn nhưng hầu như là loại nhỏ, giá trị kinh tế không cao. Mà lại nhiều người theo nhau đi đánh bắt. Mùa nước thấp như hiện nay, cá lớn nhiều, chỉ một vài con là có trăm ngàn đồng rồi.

Mùa cạn, hầu như đêm nào thả lưới tôi cũng tóm được những con cá lóc, cá trê lớn, nặng tới hơn ký lô. Cá ấy bây giờ rất có giá, một trăm ngàn người ta cũng mua luôn. Lâu lâu, tôi còn lưới được cả con lóc mẹ nặng tới bốn ký lô, bán cho vựa trên Trường Xuân được năm trăm ngàn. Còn mè vinh, rô phi hay chép đồng thì vẫn thường bắt được những con ba bốn ký. Nhưng cá trắng phải giữ khéo, không chúng chết bán mất giá lắm”, lão ngư cho biết thêm.

Như hầu hết những người sống dựa vào thiên nhiên một cách thuần túy và đơn độc, những ngư dân lâu đời vùng Đồng Tháp Mười hiện nay cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài số lượng thủy sản giảm đi, ô nhiễm môi trường cũng thay đổi nhiều quy luật sinh sống của các loài thủy sản, đồng thời việc đắp đê, xây dựng hạ tầng cũng đã làm cho không gian nước bị chia cắt, việc chài bắt ngày càng khó khăn, vất vả hơn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn này vẫn là vựa cá lớn, và người dân nơi đây vẫn còn bám vào nguồn lợi này để sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ