Khác với những sản vật tôm cá, cua ếch khác đang dần khan hiếm hay cạn kiệt, ốc đồng vẫn khá dồi dào, thậm chí sinh sôi nảy nở khắp các cánh đồng ngập nước vùng thượng nguồn dòng Vàm Cỏ Tây này. Cùng với đó, những khu chợ ốc đồng nho nhỏ xuất hiện ở khắp nơi, thu gom và đưa về thành phố tiêu thụ.
Lặng lẽ trên đồng vắng
Mưa nhiều kéo dài, cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, mùa nước nổi năm nay hàng trăm cánh đồng ở vùng biên giới Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Hồng Ngự... đều chìm trong nước.
Đi dọc những con đường ở khu vực này, rất dễ bắt gặp những người dân lặng lẽ trên những cánh đồng mênh mông nước, cùng với những chiếc ghe nhỏ bé trong cuộc mưu sinh của mình.
Mặc dù không có giá trị cao nhưng với số lượng nhiều lại dễ dàng săn bắt, ốc đồng được cho là sinh kế bền vững của nhiều người, kéo dài suốt mấy tháng theo mùa nước.
Ông Nguyễn Phú Lộc, 61 tuổi, một người dân ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) đang cùng vợ săn bắt ốc đồng cười bảo: “Những sản vật nổi tiếng như tôm cá, cua ếch ở mùa nước nổi tuy giá cao nhưng lại khó đánh bắt, không phù hợp với người già như mình. Vì thế, ốc đồng như một cứu cánh cho tôi và nhiều người khác ở đây.
Kể về công việc đánh bắt ốc, ông Lộc cười tươi nói thêm:
“Ốc là loài vật di chuyển chậm chạp nhưng sinh sản rất nhanh nên chỉ gần một tháng sau khi nước tràn về, chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Từ những cánh đồng hoang, những cụm bèo tây, thân cây cổ thụ nổi trong nước hay thậm chí cả bờ ruộng... Bất cứ nơi nào cố định trong nước là ốc bám vào. Để bắt được chúng cũng không khó khăn gì, chỉ cần chăm chỉ, lặn lội trên đồng tìm kiếm là được”.
Có lẽ, cũng như hầu hết những nông dân mà tôi từng gặp gỡ, trò chuyện trên dải đồng bằng châu thổ này, họ đều lạc quan và vui vẻ chấp nhận cuộc sống, nhất là cuộc sống mùa nước nổi.
Với họ, tất thảy những gì mùa nước mang đến đều là quà tặng của trời đất, thiên nhiên, xứ sở nên đều được đón nhận một cách trân trọng.
Tất cả, đều không phải nuôi trồng, chăm sóc hay gây dựng gì, chỉ bỏ công sức mà đánh bắt đã khiến cho mọi thứ đều dễ dàng hơn. Thế nhưng, khi nhìn vợ chồng ông lặng lẽ, bé nhỏ trên những cánh đồng đất mênh mông hàng chục cây số chìm trong nước, tôi mới có cảm giác, thực tế cũng không hề dễ dàng gì.
Dù ốc ở đây nhiều nhưng chúng không phải đi theo đàn, mà từng cá thể nhỏ bé, phân bố khắp trên mặt nước này. Và tôi ước chừng, để bắt được một ký lô ốc chừng ba bốn chục con thì ông phải lặn lội hàng cây số ngập nước.
Tôi đã từng đi qua rất nhiều mùa nước nổi, rất nhiều những cánh đồng mênh mang nước, gặp rất nhiều những phận người nhỏ bé, lam lũ mưu sinh giữa đồng đất miệt châu thổ này.
Tất cả họ đều mang trong mình vẻ nhẫn nại, bền bỉ và cần cù. Thế nhưng, không có hình ảnh nào ám ảnh tôi như những người bắt ốc đồng ở vùng biên giới này. Nó như một cuộc “thử thách” của thiên nhiên, trời đất, nhắn nhủ với con người rằng, hãy cứ chăm chỉ, cứ lặn lội, nhẫn nại đi thì sẽ có thành quả.
Một thành quả được đo bằng sự chịu đựng mà ngoài những nông dân của mảnh đất này thì không ai khác có thể làm được.
Những chợ ốc đồng
Khác biệt hoàn toàn đến trái ngược với những người lặng lẽ săn ốc trên đồng lũ là những khung cảnh buôn bán ốc ở những chợ tạm, ngã ba đường vùng biên giới những ngày này.
Có lẽ, bất cứ nơi đâu, khi nhìn thấy thành quả của mình được nhận về bằng những đồng tiền nhỏ bé, có khi còn sũng nước cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến, huống hồ những người dân nghèo nơi đây.
Đặc biệt hơn nữa, chợ ốc đồng ở đây có thể xuất hiện bất cứ đâu. Từ những chợ truyền thống lâu năm hay những ngã ba đường, quốc lộ, những bến sông, chân cầu...
“Do những người săn bắt ốc thường xuyên di chuyển, có khi từ vùng này qua vùng khác nên các chợ ốc cũng nở rộ. Bất cứ chỗ nào nông dân có ốc, chúng tôi đều thu mua hết.
Sau đó, ốc được mang về khu vực ở thị trấn Mộc Hóa (cũ) nằm trên quốc lộ 62 để giao dịch, sau đó đem về thành phố ngay.
Bây giờ đang vào mùa rộ ốc nên có ngày, tôi đem về thành phố bỏ cho các chợ, nhà hàng tới sáu trăm ký lô”, chị Tư Hồng, chủ một vựa buôn ốc ở đây cho biết thêm.
Một góc chợ ốc đồng |
Được biết, chợ ốc ở khu vực này cùng với chợ ốc ở Hồng Ngự, Sa Rài, Thạnh Hóa... là những chợ ốc nổi tiếng, lâu đời của khu vực miền Tây mùa nước nổi. Hầu hết lượng ốc tiêu thụ ở các thành phố Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh được thu gom từ các chợ này.
Hiện nay, ốc đồng ở miền Tây có nhiều loại, nhưng có hai loại ốc chính xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi là ốc lác (ốc lát) và ốc bươu, bên cạnh một số loại khác như ốc gạo, ốc đắng...Nếu như ốc bươu nhiều, to và cân nặng nhưng giá rẻ thì ốc lác quý hiếm hơn.
“Mỗi ký ốc bươu bán ở chợ thị xã Kiến Tường khoảng từ 10 đến 12 ngàn đồng còn mỗi ký ốc lác mắc gấp đôi, khoảng 20 ngàn đồng. Tuy nhiên, các chủ vựa buôn ốc lựa rất kỹ.
Ngoài việc phải đạt chuẩn (to) thì ốc phải mới bắt, thịt đầy mới được chọn lựa. Nếu ốc bắt vài ba ngày mới đem bán thì sẽ không được giá vì chúng khá nhẹ, cho vào nước thường bị nổi lên và bị loại ra”, một thương lái thu mua ốc khác ở thị trấn Mộc Hóa cho biết thêm.
Cũng theo những người dân nơi đây, trước kia khi mới xuất hiện, ốc bươu chỉ được nuôi ở ao hồ nhưng hiện nay, chúng có nhiều ở các cánh đồng mùa nước về.
“Nhiều nơi nông dân thường phàn nàn tình trạng ốc bươu phá hoại mùa màng nhưng ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười này lại khác. Bình thường, do thổ nhưỡng phèn mặn nên ốc bươu rất khó sinh trưởng.
Chỉ đến khi mùa nước tràn về, chúng mới sinh sôi nảy nở. Chừng vài ba tháng, khi mùa nước qua đi, ốc cũng thưa dần cho tới mùa nước sang năm.
Có lẽ, cũng như hầu hết các loài thủy sản khác, ốc bươu cũng buộc phải “bắt nhịp” với quy luật của trời đất, của mùa nước nổi riêng biệt, đặc trưng của vùng đất này vậy”.
Có lẽ không có quy luật nào nghiêm khắc nhưng cũng hào phóng vô tận như quy luật của mẹ thiên nhiên, đặc biệt là ở vùng châu thổ sông Cửu Long này, như mùa nước nổi tràn ngập ngoài kia vậy.
Nếu như vì những tác động của con người khiến cho các sản vật tôm cá, cua ếch đang dần khan hiếm, cạn kiệt thì lập tức thiên nhiên lại mang đến cho những con người chung thủy với nó một sản vật khác là ốc đồng.
Có lẽ đó cũng là món quà lớn nhất, là thông điệp giản đơn nhưng sâu sắc mà thiên nhiên nhắc nhở con người. Ở bất cứ đâu, chỉ cần chung thủy cùng thiên nhiên, họ vẫn có thể sống khỏe cùng với thiên nhiên.