TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh trong chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức - sáng 14/9.
Cần thiết thành lập phòng tham vấn học đường
Viện dẫn số liệu báo cáo khoa học của Weiss, TS Nguyễn Thị Thanh Nga thông tin: Hiện, Việt Nam có tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung từ 8% đến 29%. Trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần .
Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em Việt Nam hiện nay gồm: lo âu, trầm cảm, cô đơn, tăng động và giảm chú ý. Ngoài ra, các vấn đề về lạm dụng chất (sử dụng thuốc lá)), bạo lực học đường ngày càng có xu hướng tăng.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra vấn đề sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng rất lớn đến học tập và phát triển nhân cách của học sinh. Học sinh bị rối nhiễu về hành vi thường hay trốn học, nghỉ học và thường gặp các vấn đề trong quan hệ với giáo viên và bạn học.
Con số thống kê tại Hoa kỳ cho thấy, tỷ lệ học sinh THPT có vấn đề sức khỏe tâm thần cũng đồng thời được chẩn đoán khuyết tật học tập là 91% . Ngoài ra, báo cáo của Bộ giáo dục Hoa Kỳ (2002) cũng cho thấy, có tới 51% học sinh THPT bị rối nhiễu hành vi bỏ học giữa chừng.
Trong số những học sinh bị chẩn đoán rối nhiễu hành vi hoàn thành chương trình THPT ở Hoa Kỳ, chỉ 20% tiếp tục học lên các bậc học cao hơn (Cao đẳng, Đại học); phần lớn họ đều gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng thích ứng nghề nghiệp sau này (Wagner et al., 2005).
Tại Việt Nam, vấn đề về sức khỏe tâm thần và khó khăn tâm lý của học sinh có xu hướng gia tăng nên rất cần thiết thành lập phòng tham vấn học đường. Xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết này, Bộ GD&ĐT đã ra Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
Đây được xem như một cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.
Phát hiện sớm những khó khăn tâm lý ở học sinh
Khẳng định, tham vấn học đường là cần thiết và cấp bách; TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh: Căn cứ trên những vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong đời sống học đường, tham vấn tâm lý cần hướng tới những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất: Cần cung cấp và tham vấn cho các em về những vấn đề tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản... đảm bảo “vẽ cho hươu chạy đúng đường”
Thứ hai: Cần tham vấn và giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa trong học đường. Đặc biệt, là tham vấn và giáo dục các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.
Thứ ba: tham vấn học đường cần hướng vào việc trợ giúp tâm lý học sinh nhận thức được thế mạnh/tiềm năng của mình để tự giải quyết/ứng phó với những khó khan tâm lý gặp phải.
Bên cạnh đó, tham vấn học đường cần phát hiện sớm những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý ở học sinh trong học tập, quan hệ xã hội để phòng ngừa thông qua việc xây dựng những chương trình nhằm cải thiện môi trường học tập, quan hệ xã hội trong nhà trường.
Thứ tư: Tham vấn học đường cần có các chiến lược nhằm giúp học sinh phát triển khả năng học tập như: giúp học sinh đánh giá khả năng, hứng thú, tài năng và đặc điểm nhân cách của mình; tham vấn về kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và đặc biệt là định hướng nghề nghiệp.
“Tất nhiên, để làm những nội dung này cần đảm bảo người làm công tác tham vấn học đường được đào tạo và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp. Trên thực tế, hiện nay ở các trường đã có phòng tham vấn học đường.
Tuy nhiên, các trường thường sử dụng giáo viên chủ nhiệm, cán bộ làm công tác đoàn đội… kiêm nghiệm. Điều này gia tăng áp lực công việc của giáo viên, mặt khác do không được đào tạo bài bản nên trong công tác tham vấn tâm lý còn nhiều lúng túng” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ.
Lắng nghe các con nói...
Liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; TS Nguyễn Thị Thanh Nga trao đổi: Ngay từ khi 2 tuổi, chúng ta cũng tự to mò về các bộ phận trên cơ thể của mình. Ở các giai đoạn sau là tò mò về cơ thể của bạn khác giới, lớn hơn là tò mò về chuyện quan hệ nam nữ… Vậy việc tò mò, mong muốn khám phá về mối quan hệ khác giới đó không phải là việc xấu.
Trong các nội dung về giáo dục giới tính, sức khỏe học sinh bạn có thể khéo léo định hướng các em trong việc lựa chọn các nguồn thông tin trong việc tìm hiểu về giới tính.
Tại Mỹ, có một bộ phim Sex Education nói về các vấn đề giới tính trong lứa tuổi học đường như: các dấu hiệu phát triển, thủ dâm, bạn khác giới, quan hệ nam nữ, quan hệ đồng giới…
Trong phim việc lồng ghép giáo dục được diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ hợp lứa tâm lý lứa tuổi. Giáo viên, phụ huynh có thể xem để thêm các kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi học trò nhé.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức các buổi sinh hoạt, các buổi tọa đàm với nhiều nội dung như: tình bạn khác giới; tình yêu đầu đời… để lắng nghe quan điểm của các em.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, tình yêu học đường là chuyện tự nhiên và là bình thường trong giai đoạn phát triển tâm lý của con người. Với sự phát triển hiện nay, tình yêu đầu đời xuất hiện sớm hơn.
Mẫu giáo, các em đã có sự tò mò với bạn khác giới. Tiểu học, các con đã biết thích bạn này, bạn kia. Lên THCS, các con đã trao thư tỏ tình. Đến THPT, nhiều em có thể đã “vắt vai” vài mối tình.
“Trước tiên, không nên quá lo lắng và xác định đây là đặc điểm tâm lý tuổi hết sức tự nhiên. Mà đã là tự nhiên thì sao cấm cản và đặc biệt cần tránh những giáo huấn thường thấy như: “Mới nứt mắt ra đã yêu với đường” rồi lên trường ca “Học đi ấm vào thân chứ yêu đương gì?”…
Khi phụ huynh cấm đoán, áp đặt thì trong mắt con, bạn đã trở thành đối tượng mà con cần cảnh giác, cần nói dối, và nhiều trường hợp nổi khùng phản ứng lại. Tình cảm càng cấm thì lại càng tò mò, càng khao khát” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga khuyến nghị.
Hãy nhớ lại, khi bằng tuổi con, chúng ta có những tình cảm như vậy không? Khi có những điều cần tâm sự, chúng ta tâm sự với ai? Tại sao chúng ta lại dễ thổ lộ chuyện tình cảm của mình với bạn đến vậy?...
Vì bạn không phán xét, không áp đặt, không la mắng, không cấm đoán… Vậy nên, phụ huynh cần trở thành một người bạn của con. Hãy chia sẻ và lắng nghe con như một người bạn. Chỉ khi đó bạn mới có thể định hướng cho con những gì tốt nhất.
TS Nguyễn Thị Thanh Nga.