Tham vấn giải pháp phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo

GD&TĐ - Sáng 9/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự hội thảo tham vấn thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo.

Đồng chủ trì hội thảo gồm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi và ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; đại diện các Sở GD&ĐT trên toàn quốc cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Sự cần thiết ban hành nghị quyết

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT cho biết, việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi là rất cần thiết.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra mục tiêu từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.

vt-minh-9743.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh nêu một số nội dung chính của dự thảo nghị quyết.

Hằng năm, nước ta có trên 5,1 triệu trẻ mầm non; trong đó có 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.

GDMN đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao hơn; trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp 1.

3-932.jpg
Cô giáo hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động góc tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội).

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh, còn một lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi (chủ yếu ở vùng khó khăn) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non; các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn hạn chế; công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp mầm non còn nhiều hạn chế...

Theo số liệu biên chế của Bộ Nội vụ thống kê (thời điểm tháng 5/2024), nhu cầu biên chế cần bổ sung của các địa phương năm học 2024-2025 là 35.894 chỉ tiêu giáo viên. Tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu.

Số biên chế Bộ Chính trị đã duyệt theo Quyết định số 72-QĐ/TW dự kiến giao thêm giai đoạn 2022-2026 là 26.522 chỉ tiêu. Sau khi cân đối với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2022-2026 cho các tỉnh, thành thì cần đề nghị Bộ Chính trị bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu.

Nhiều ý kiến tâm huyết

mn-1-8074.jpg
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang trao đổi tại hội thảo một số thuận lợi, khó khăn của địa phương này về công tác phổ cập giáo dục trẻ mầm non.

Từ thực tế địa phương, bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số trẻ mầm non ở một số quận huyện đang có xu hướng giảm, một vài nơi thực hiện sáp nhập trường. Vì vậy việc thực hiện chỉ tiêu 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo rất khó khăn và khó đạt được. Hồ sơ, thủ tục thực hiện miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em mẫu giáo cần bổ sung thêm mục về CCCD để phù hợp với quy định hiện hành, nhất là Luật Căn cước.

Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang đánh giá, dự thảo nghị quyết đã nêu khá đầy đủ các thông tin về chế độ chính sách. Tuy nhiên, ban soạn thảo nên tính toán để đưa thêm đối tượng hưởng chính sách phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-5 tuổi gồm cả con công nhân ở các khu/cụm công nghiệp.

phong-3371.jpg
Ông Triệu Quang Phong - Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Bắc Kạn kiến nghị, dự thảo nghị quyết cần nêu rõ là đối tượng được miễn học phí là trẻ mầm non ở các trường tư thục hay trường công lập.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương An - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận nêu thực trạng, Phòng GD&ĐT các huyện chỉ quản lý các trường về chuyên môn; nhiệm vụ chi trả kinh phí nên được giao về cho Phòng Kế hoạch tài chính cấp huyện.

Nằm ở địa bàn vùng khó khăn, bà Võ Thị Phượng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non thuộc Sở GD&ĐT Đắk Lắk đề xuất mở rộng đối tượng được miễn học phí bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, trẻ mầm non là con em công nhân ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 327 trường Mầm non, còn 25 phòng học tạm, 28 phòng học nhờ. Số trẻ mẫu giáo được huy động ra lớp đạt 86,5%; riêng vùng thuận lợi đạt 90%, vùng khó khăn đạt 85%. Tuy nhiên, do đặc thù nên số trẻ nhà trẻ được vận động ra lớp đạt tỷ lệ khiêm tốn chỉ 16%. Đây cũng là những thách thức không nhỏ với địa phương này.

nghe-an-1019.jpg
Đại diện đến từ Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, năm học 2024-2025, địa phương này vẫn sẽ tiếp tục có chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Với những địa phương có điều kiện, cần hỗ trợ cho giáo viên nhà trẻ để đảm bảo ổn định, duy trì công tác phổ cập trẻ từ 3-5 tuổi.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại biểu, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, vai trò của cơ quan trung ương, địa phương trong việc đồng hành cùng ngành Giáo dục để thực hiện thành công chính sách về phổ cập giáo dục.

sy-9992.jpg
Ông Đinh Công Sỹ nhấn mạnh tới vai trò phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của yếu tố con người, cơ sở vật chất khi thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo ở các địa phương. Một tín hiệu đáng mừng là tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình để Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu; dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2025.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo là một nhiệm vụ chính trị, chủ trương đã có nên chỉ bàn về giải pháp để Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, sau đó Quốc hội sẽ xem xét thông qua.

"Sau khi có những góp ý chi tiết với dự thảo nghị quyết, chúng ta phải làm sao để xây dựng lộ trình và ban hành các chỉ tiêu cụ thể, trách nhiệm thi hành rõ ràng cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý. Đây sẽ là một nghị quyết của Quốc hội nên vai trò của đoàn ĐBQH ở các địa phương cũng rất quan trọng. Nhiệm vụ này vì mục tiêu nhân văn, thể hiện trách nhiệm với các thế hệ con em chúng ta" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ