“Tham nhũng vặt” làm nóng nghị trường Quốc hội

GD&TĐ - Ngày 13/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng.

Phiên thảo luận tại Hội trường ngày 13/11. Ảnh: Lâm Hiển
Phiên thảo luận tại Hội trường ngày 13/11. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đó, Quốc hội đã nghe và xem xét một số báo cáo có nội dung liên quan công tác phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở hội trường.

Tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc

Theo Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban trình bày trước Quốc hội, năm 2018, số vụ án tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ được phát hiện tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Liên quan vấn đề này, Chính phủ cũng có báo cáo với Quốc hội về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018. Theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Trước Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ là: “Tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp”. Chính phủ dự báo tình hình tham nhũng năm 2019 sẽ tiếp tục “được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

“Muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách. Nhiều nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm vẫn có kẽ hở, nên cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng” - đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu quan điểm. 

Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, theo Ủy ban Tư pháp cần tập trung khắc phục trong năm 2019, đó là: Một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thực sự gương mẫu trong chống tham nhũng nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”.

Việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi chưa tốt. Chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.

Đáng lưu ý là đã xảy ra các vụ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những vụ liên quan đến cả cán bộ lãnh đạo, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều trường hợp bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận. Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Chưa có giải pháp hữu hiệu để phòng, chống các vụ tham nhũng lớn, “nhóm lợi ích”, “doanh nghiệp sân sau”…

Kiên quyết xử lý, siết chặt trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.

Mặc dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.

“Cần kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung này. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên” - Đại biểu Trần Hồng Hà kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, tham nhũng là con người, người có chức, có quyền trừ nhân dân. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được. Nhưng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.