ĐBQH quan ngại “tham nhũng vặt” làm tha hóa, biến chất nhiều công chức

GD&TĐ - "Tham nhũng vặt" thực sự đã làm tha hóa, biến chất nhiều công chức và lâu dần trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt. Do đó cần có giải pháp thanh lọc để không còn vấn nạn này

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – đoàn Đồng Tháp phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – đoàn Đồng Tháp phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – đoàn Đồng Tháp nêu vấn đề khi phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 13/11.

Theo đại biểu, bên cạnh các loại tội phạm tham nhũng lợi dụng những sơ hở trong cơ chế để trục lợi chính sách như: nhóm lợi ích, sân sau, công ty gia đình mà các báo cáo đã gọi tên thì vấn nạn "tham nhũng vặt" là loại tội phạm nhũng nhiễu trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Nếu các nhóm tham nhũng, trục lợi chính sách là nguyên nhân làm suy kiệt nền kinh tế thì "tham nhũng vặt" với số lượng đông đảo cũng có sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, theo đại biểu, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều lĩnh vực, đến mức những hành vi của loại tội phạm "tham nhũng vặt" như: đưa phong bì lót tay, nhờ người chạy trường, chạy việc, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen.

"Tham nhũng vặt" thực sự đã làm tha hóa, biến chất nhiều công chức và lâu dần trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể, làm rõ nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống "tham nhũng vặt" đó là: Cần công phá tư tưởng, lợi ích nhóm. Có những quy định cụ thể để dễ nhận diện và xử lý tội phạm "tham nhũng vặt" trong bộ máy công quyền. Đồng thời, đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc giữa người dân với công chức thi hành công vụ.

Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác cán bộ.

Nên chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân. “Theo tôi, đây là giải pháp thanh lọc bộ máy công quyền để tiến tới không còn "tham nhũng vặt" – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Cần cải cách nhanh chính sách tiền lương gắn với tăng cường trách nhiệm công vụ của công chức, thực hiện công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong thực tế, số lượng bản kê khai hằng năm rất lớn nhưng trong năm 2018, cơ quan chức năng chỉ tiến hành xác minh đối với 44 người và trong số 44 người có 6 trường hợp vi phạm, tức là chiếm 13,6%. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu chúng ta xác minh 1.136.902 người trong diện kê khai thì chắc con số vi phạm sẽ không nhỏ. Đây là vấn đề cần được giải trình một cách đầy đủ để có giải pháp khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.