Thảm khổng lồ biết kể chuyện

GD&TĐ - Thị trấn Hamburg của Nam Phi nằm cạnh một trong những cửa sông đẹp nhất ở Eastern Cape, giáp những bãi biển hoang sơ và rừng xen cồn cát.

Chi tiết trong tấm thảm 'Covid Resilience' (2022).
Chi tiết trong tấm thảm 'Covid Resilience' (2022).

Hamburg còn được biết đến với nền văn hóa Xhosa phong phú, hoạt động chăn nuôi gia súc, câu cá... Đặc biệt, đây cũng là quê hương của một nhóm phụ nữ đã tạo ra hàng loạt tác phẩm nghệ thuật phi thường - thảm khổng lồ - được trưng bày trên khắp thế giới.

Không chỉ mang lại thu nhập

Dự án Nghệ thuật Keiskamma được thành lập để dạy các kỹ năng thêu thùa cho phụ nữ địa phương, nhằm giúp đỡ họ trong thời điểm khó khăn về kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, nó đã phát triển thành một điều gì đó lớn lao hơn. Nhiều tác phẩm của họ đã xuất hiện tại các phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế và hiện tại, chúng có mặt tại triển lãm ở Johannesburg.

Câu chuyện được bắt đầu vào năm 2000. Khi đó, Tiến sĩ Carol Hofmeyr chuyển từ Johannesburg đến Hamburg. Bà thấy một thị trấn đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao và một cộng đồng phụ nữ tuyệt vọng khi phải tìm cách nuôi sống gia đình.

Bản thân đã học thêu, Tiến sĩ Hofmeyr hy vọng rằng, việc truyền đạt kiến thức thêu thùa cho phụ nữ địa phương sẽ giúp họ có thêm sức mạnh. “Mục đích ban đầu của dự án là sử dụng sự sáng tạo để xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng chứ không phải để kiếm tiền”, Tiến sĩ Hofmeyr nói.

Từ những hội thảo đơn giản trong một ngôi nhà cũ nát ban đầu, qua truyền miệng, ngày càng có nhiều phụ nữ biết đến dự án. Hiện nay, hơn 150 người đã tham gia dự án. Ngoài việc giúp những phụ nữ này có nguồn thu nhập, dự án còn tạo ra nơi gặp gỡ và hệ thống hỗ trợ cho họ.

Ban đầu, họ chỉ đơn giản là làm ra những tấm đệm và túi xách nhỏ để bán cho khách du lịch. Bà mẹ đơn thân Veronica Nkosasana Betani, 53 tuổi, đã tham gia dự án ngay từ đầu. Với số tiền kiếm được từ hoạt động này, bà có thể lo cho các con và cháu của mình.

Cuối cùng, phụ nữ ở đây bắt đầu nhận được tiền cho những mảnh thêu lớn hơn. Họ được phát những tấm thảm có kích thước khoảng một mét để làm việc tại nhà. Bằng cách ghép các tấm đã hoàn thành lại với nhau, họ tạo ra tác phẩm lớn hơn.

Trong số đó có tấm thảm nổi tiếng nhất mang tên “Keiskamma”. Được tạo bằng chất liệu len quyên góp cho dự án, tác phẩm dài 120 mét này lấy cảm hứng từ tấm thảm Bayeux, làm vào Thế kỷ 11 để kỷ niệm cuộc chinh phục nước Anh của người Norman.

Một du khách đứng trước tác phẩm 'Keiskamma Guernica' (2010), với kích cỡ 3,5x7,8 mét. Nó được lấy cảm hứng từ bức tranh “Guernica” năm 1937 của Pablo Picasso.

Một du khách đứng trước tác phẩm 'Keiskamma Guernica' (2010), với kích cỡ 3,5x7,8 mét. Nó được lấy cảm hứng từ bức tranh “Guernica” năm 1937 của Pablo Picasso.

Những tấm thảm kể chuyện

“Tôi nhận ra rằng, mọi người có thể tạo nên một tác phẩm hoành tráng - tấm thảm đầu tiên dài 120 mét kể câu chuyện về khu vực của chúng tôi”, Tiến sĩ Hofmeyr nói.

Trong khi tấm thảm Bayeux đưa ra góc nhìn của những kẻ chinh phục, thì tấm thảm “Keiskamma” kể câu chuyện về những người Xhosa bị khuất phục thông qua quá trình thuộc địa hóa và chiến tranh biên giới từ năm 1776 đến 1876. Tác phẩm này tiếp tục câu chuyện cho đến cuộc bầu cử năm 1994 khi Nam Phi lần đầu tiên cho phép mọi chủng tộc bầu cử.

“Nó đã gây chấn động khi được trình chiếu tại Liên hoan Nghệ thuật Quốc gia năm 2003 và sau đó giành được giải thưởng nghệ thuật quốc gia”, Tiến sĩ Hofmeyr nói.

Đó là một trong những tấm thảm khổng lồ được trưng bày tại triển lãm hồi tưởng mang tên “Umaf' evuka, nje ngenyanga”. Hiện tác phẩm này được trưng bày tại Tòa án Hiến pháp Nam Phi ở Johannesburg.

Giám tuyển Pippa Hetherington nói rằng việc tạo ra tấm thảm “Keiskamma” là một khoảnh khắc xúc động đối với Nam Phi. Theo bà, nó mô tả một thời kỳ đen tối, khi người Xhosa bị suy tàn.

Sau khi giết gia súc để đuổi những người định cư da trắng đi, họ bị bỏ rơi trong cảnh nghèo đói cùng cực và phải đi xin việc từ những người định cư da trắng. Sau đó chế độ Apartheid đã diễn ra.

Tác phẩm trên được đưa đến các phòng trưng bày nghệ thuật trên khắp thế giới, cũng như các nhà thờ lớn ở châu Âu. Ngân hàng Standard đã mua tác phẩm này và cho tòa nhà quốc hội ở Cape Town mượn. Tuy nhiên, thật không may, tại đây, nó gần như bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn vào tháng 1/2021.

Một tác phẩm nổi tiếng khác mang tên “The Keiskamma”, được sản xuất bởi 130 phụ nữ. Tác phẩm này được tạo hình theo bức “Isenheim Altarpiece” của họa sĩ người Đức thời Phục hưng Matthias Grünewald. Tác phẩm cao 4 mét, rộng 4 mét này cho thấy những khó khăn mà phụ nữ lớn tuổi phải chịu đựng khi thanh niên trong cộng đồng của họ bị nhiễm HIV hai thập kỷ trước.

Ngoài ra, cùng với những tấm thảm “Dân chủ” được tạo ra từ năm 2003 - 2004, lần đầu tiên những tấm thảm “Hiến chương Phụ nữ” được trưng bày công khai. Chúng được hoàn thành vào năm 2016 để tôn vinh sự nữ tính..

Tấm thảm 'Keiskamma' dài 120 mét, làm từ năm 2003.

Tấm thảm 'Keiskamma' dài 120 mét, làm từ năm 2003.

Các tác phẩm trên đều đề cập đến một số thời kỳ đen tối nhất của Nam Phi. Trong số những tấm thảm “Dân chủ” có một tác phẩm lấy cảm hứng từ bức tranh “Guernica” năm 1937 của danh họa nổi tiếng Picasso. Cao hơn 3 mét và rộng gần 8 mét, “Keiskamma Guernica” kể câu chuyện bi thảm về sự sống và cái chết ở đỉnh điểm của đại dịch HIV ở Nam Phi.

Các tác phẩm nghệ thuật gần đây liên quan đến những vấn đề đương đại. Tấm thảm “Covid Resilience” đề cập đến đại dịch Covid-19, trong khi “A New Earth” và “Our Sacred Ocean” là lời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường.

Khi được công nhận về giá trị nghệ thuật và tầm quan trọng về văn hóa, những tấm thảm trên là minh chứng cho tài năng và khả năng phục hồi của cộng đồng. “Đối với tôi không có con đường nào khác. Tôi muốn tiếp tục dự án Keiskamma vì đó là nơi giúp phụ nữ tiếp tục tiến lên”, Bà Betani nói.

Đối với Tiến sĩ Hofmeyer, vẫn còn nhiều việc phải làm. Bà hy vọng dự án sẽ tiếp tục hoạt động vì lợi ích của cộng đồng và cuối cùng mang lại tiếng nói cho cộng đồng nông thôn bị thiệt thòi này.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ