Nam Phi: Giải pháp cho vấn nạn định kiến giới

GD&TĐ - Sinh viên và học giả tại các trường đại học ở Nam Phi đang đấu tranh phản đối nạn bạo lực và phân biệt giới tính. Trước bối cảnh này, các trường đại học ở tỉnh Tây Cape đã thiết lập mạng lưới nhằm giải quyết bất bình đẳng không chỉ ở nhà trường mà còn cả xã hội.

Nhiều người học tự tử bởi tổn thương tâm lý
Nhiều người học tự tử bởi tổn thương tâm lý

Vấn đề hàng ngày

Được lãnh đạo bởi Trường ĐH Công nghệ Cape Peninsula (CPUT) - thành viên của Mạng Công nghệ Nam Phi (SATN), Mạng lưới Phát triển và Học tập Chuyển đổi (TLDNet) đang tập hợp những tổ chức có cùng quan điểm để chia sẻ các bài học, nghiên cứu và thực tiễn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả hơn trong ngành GD. Ngoài các trường ĐH, mạng lưới còn bao gồm các trường CĐ và đào tạo kỹ thuật, dạy nghề (TVET).

Động thái này được đưa ra sau khi hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra tại các trường ĐH cũng như nhiều báo cáo khẳng định, vấn đề chủng tộc, giai cấp và giới tính đang đe dọa sự an toàn và cơ hội phát triển của nhiều SV, học giả.

Phát biểu tại cuộc họp có sự tham dự của 70 lãnh đạo, nhân viên, giảng viên tại các tổ chức GDĐH ở Nam Phi, ông Sixolile Ngcobo, quản lý cấp tỉnh của Ủy ban về Bình đẳng giới (CGE), cho biết: “Bạo lực đối với phụ nữ trong các trường là vấn nạn đang diễn ra mỗi ngày. Một số SV nam tin rằng, nếu một SV nữ không có bạn trai, thì cô ấy sẵn sàng bị quấy rối tình dục và thậm chí là bị tấn công”.

Các phiên điều trần được tiến hành bởi ủy ban cho thấy, hầu như rất ít phụ nữ được làm việc ở các vị trí quản lý học thuật tại các trường ĐH. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số giáo sư nữ bị tổn thương ở nơi làm việc dẫn tới mất niềm tin theo đuổi cấp độ học vấn cao hơn và bỏ nghề. Theo các nhà lãnh đạo Nam Phi, tại các trường ĐH, phân biệt giới tính dường như là một trở ngại lớn hơn so với phân biệt chủng tộc.

Theo Tiến sĩ Navin Naidoo, giảng viên về sức khỏe tại một trường ĐH ở Nam Phi, phụ nữ trẻ trong khuôn viên Trường CPUT và tại các trường TVET đều cho rằng, “bên lề xã hội” là yếu tố chủ chốt dẫn đến bạo lực và phân biệt giới tính.

Theo ông Naidoo, chính sách tại các tổ chức GD đang tồn tại một lỗ hổng lớn; đồng thời khẳng định, nhà trường nên trở thành nơi an toàn hơn đối với phụ nữ. Do đó, vị TS này nhận định, các tổ chức GD nên có sẵn cơ sở vật chất chuyên dụng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Naidoo cũng lưu ý rằng, bạo lực và phân biệt giới tính tại các trường ĐH cần được giải quyết triệt để ở cả ngoài khuôn viên trường.

Các chuyên gia khẳng định, để xóa bỏ những định kiến này, các trường ĐH cần tham gia vào việc tạo ra và duy trì sức khỏe. Để có thể làm được điều này, SV cần xác định và hiểu hành vi của bản thân và tìm cách quản lý những căng thẳng có thể phát sinh trong các mối quan hệ xã hội.

TS Naidoo nhấn mạnh rằng, trường ĐH với tư cách là một cơ quan công bằng xã hội có trách nhiệm đầu tư vào vốn xã hội với mục đích giúp SV biết cách đối phó với bạo lực. “Mục tiêu nên là thay đổi các chuẩn mực xã hội cơ bản và các giá trị hình thành nên hành vi”, ông Naidoo nói.

Sáng kiến về giới

Những người tham gia cuộc họp đã được lắng nghe về lợi ích của chương trình “HeforShe” do Liên Hợp Quốc xây dựng như một phong trào đoàn kết giữa các giới.

Các tổ chức GDĐH thúc đẩy chương trình này đã đồng ý tăng tỷ lệ vị trí lãnh đạo nữ lên ít nhất 20% vào năm 2020 và bảo đảm phụ nữ đạt được các vị trí học thuật cao cấp, bất kể ngành học của họ là gì.

Trong khi đó, CPUT đã kêu gọi Cơ quan công tố quốc gia đưa ra một dự thảo, nhằm thực hiện giao thức truyền thông giúp báo cáo về những vụ bạo lực do phân biệt giới tính tại CPUT.

Ở cấp quốc gia, Đạo luật GDĐH năm 1997 của Nam Phi đã quy định việc thành lập các diễn đàn tại các trường ĐH nhằm thúc đẩy chuyển đổi. Bên cạnh đó, một ủy ban giám sát quốc gia cũng được thành lập để giám sát công việc này.

Tuy nhiên, theo ông Nazeema Mohamed, Giám đốc điều hành của Viện lãnh đạo Inyathelo - đối tác của TLDNet, nhiều thành viên của các diễn đàn này không được bổ nhiệm một cách đúng đắn và thiếu hiểu biết về mục đích cũng như cách thức làm việc.

Bên cạnh đó, Ủy ban giám sát chuyển đổi quốc gia cho biết, vấn nạn bạo lực và phân biệt giới tính tại các trường đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của SV, khiến một số trường hợp tìm đến cái chết.

Trước tình hình này, nhiều tổ chức GD như Viện Afrikology thuộc Trường ĐH Công nghệ Durban đã thành lập các trung tâm tư vấn, nơi SV được khuyến khích chia sẻ câu chuyện của bản thân trong một không gian an toàn.

“Bên cạnh những khó khăn về vật chất mà nhiều SV phải đối mặt, như không có thực phẩm và chỗ ở, nhiều người học còn gặp phải các vấn đề xã hội từ gia đình và cộng đồng xung quanh họ”, ông Nonkosi Tyolwana, Phó Giám đốc chuyển đổi, gắn kết xã hội và đa dạng tại CPUT, phát biểu.

Mới đây, các thành viên của TLDNet đã thể hiện nỗ lực trong việc giải quyết mối quan tâm chung này. “SV từ các trường ĐH và CĐ, những người thường gặp nhiều khó khăn về phương tiện đi lại và chỗ ở, đang phải đối mặt với không ít thách thức khác.

Chính vì thế, các tổ chức GD Nam Phi nên chia sẻ sáng kiến, thực tiễn và chương trình nghiên cứu nhằm thúc đẩy chuyển đổi vì lợi ích của người học”, ông Tyolwana nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tyolwana, TLDNet đang phối hợp với chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tư nhân, tìm cách khiến các tổ chức GD có trách nhiệm lớn hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, công bằng, đặc biệt là chú trọng đào tạo các nhà lãnh đạo SV - những người có thể định hướng tương lai của đất nước.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ