Nam Phi: Trường công gặp khó vì… học phí

GD&TĐ - Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục căn bản tại Nam Phi đang gia tăng áp lực do ngày càng nhiều phụ huynh có con theo học tại trường công thừa nhận không còn đủ khả năng chi trả học phí.

Trường học tại Nam Phi đóng cửa vì Covid-19.
Trường học tại Nam Phi đóng cửa vì Covid-19.

Theo Hệ thống Phân loại Giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, giáo dục căn bản bao gồm hai giai đoạn là tiểu học và THCS. Tại Nam Phi, ước tính việc phân bổ ngân sách trong năm tài chính 2020 – 2021 cho lĩnh vực Giáo dục Căn bản giảm 5,3% so với năm trước.

Tại quốc gia này, khoảng 6,5% học sinh theo học các trường tư thục, số còn lại học tại trường công có thu học phí. Tuy nhiên, dựa trên tình hình tài chính của gia đình, phụ huynh có con theo học trường công có thể xin miễn học phí. Khoảng 2/3 học sinh tại các trường công được miễn học phí và trách nhiệm này thuộc về các tiểu bang.

Tiền học phí của 1/3 học sinh còn lại dùng để trả lương cho các giáo viên không được Bộ Giáo dục hỗ trợ hoặc các chi phí phát sinh của trường. Điều này đồng nghĩa các trường công lập phải tìm cách cân bằng giữa việc thu học phí và việc miễn giảm học phí cho các gia đình thu nhập thấp hoặc không có thu nhập.

Theo khảo sát của Cục Tín dụng TPN, thu học phí là thách thức lớn nhất mà các trường công lập phải đối mặt. Việc không thể thu tiền từ 100% học sinh ảnh hưởng xấu đến các trường, từ vấn đề ngân sách đến duy trì hoạt động. Vì học phí là nguồn thu lớn nhất của hơn 90% trường tư thục và 60% trường công lập tại quốc gia châu Phi này.

Về phía phụ huynh, họ cho rằng học phí cao là một trong ba vấn đề giáo dục bất cập, bên cạnh việc thiếu sách giáo khoa và quy mô lớp học quá lớn. Michelle Dickens, Giám đốc điều hành TPN, cho biết: “Thách thức mà nhiều trường đang phải đối mặt, ngay trước khi Covid-19 xảy ra, là việc đóng học phí không phải ưu tiên hàng đầu của phụ huynh.

Họ còn có những vấn đề lớn hơn như các khoản thế chấp, tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm xe hơi, thậm chí là các khoản vay trong ngày”. Và khi Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, học phí của con cái càng ít được phụ huynh quan tâm.

Bà Dickens cũng tiết lộ, vào tháng 1/2020, 61,5% phụ huynh đã đóng học phí, là tỷ lệ thu học phí cao nhất tại các trường công lập. “Trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, số lượng phụ huynh đóng học phí đầy đủ càng giảm. Tháng 8 là tồi tệ nhất vì chỉ 49,5% phụ huynh trả tiền. Con số này tăng lên 52% vào tháng 11 khi  phụ huynh được hỗ trợ”, bà Dickens nói thêm.

Dù các trường cho phép miễn học phí, 21,6% học sinh bỏ học vì không đủ khả năng tài chính. Thực tế bên cạnh chi phí giáo dục, học sinh cũng phải đóng thêm các khoản như dịch vụ đưa đón học sinh. Nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính nên 66% học sinh ở các trường công phải đi bộ đến trường.

Trước những tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế do Covid-19, dự kiến đến năm 2021, số lượng phụ huynh nộp đơn xin miễn giảm học phí tại các trường công lập ở Nam Phi sẽ gia tăng. Do đó các trường phải mở cuộc điều tra thông qua văn phòng tín dụng để xác minh tình trạng kinh tế của các gia đình trước khi phê chuẩn đơn xin miễn giảm học phí.

Theo IOL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.