Người đàn ông khỏe nhất thế giới biến tự kỷ thành thế mạnh

GD&TĐ - Dù biết bản thân mắc chứng tự kỷ từ nhỏ, Tom Stoltman (Scotland) không tự ti, mà còn tận dụng nó. “Tôi tự kỷ, nghĩa là tôi khác biệt. Tôi tự kỷ, nghĩa là tôi mang siêu năng lực”, Stoltman chia sẻ.

Tom Stoltman (SN 1994), nhà vô địch World’s Strongest Man 2021.
Tom Stoltman (SN 1994), nhà vô địch World’s Strongest Man 2021.

Với “siêu năng lực” này, anh đoạt giải Người đàn ông khỏe nhất thế giới (World’s Strongest Man) 2021. 

Ngày thay đổi cuộc đời

Tom Stoltman sinh năm 1994 tại Invergordon (Scotland). Từ nhỏ, Stoltman đã bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Bệnh rối loạn phát triển thần kinh này khiến cậu vấp phải khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội, luôn lặp đi lặp lại nếp sống riêng như công thức, không thể vi phạm quy định hành vi và giờ giấc tự đặt.

“Tôi không nghĩ mình sai. Tôi chỉ thấy người khác mới bất bình thường”, Stoltman nhớ lại.

Bước vào tuổi thiếu niên, chứng tự kỷ của Stoltman càng nặng. Sau nhiều lần đấu tranh nội tâm, cậu quyết định mời toàn bộ bạn thân của mình đến nhà. “Trước 7 hay 8 người bạn đó, tôi đứng dậy và thành thật thừa nhận mình bị tự kỷ”, Stoltman tiếp tục.

Các bạn của Stoltman vui vẻ trả lời rằng chuyện đó không có gì quan trọng. Họ yêu quý con người Stoltman, nên dù cậu có bị bệnh trạng gì cũng không là vấn đề. “Chính vào khoảnh khắc ấy, gánh nặng rời khỏi vai tôi. Tôi nhận ra, mình cũng như bất cứ cá nhân nào, bình thường và được đối xử bình thường”, Stoltman hạnh phúc nói.

Trong ký ức của Stoltman, ngày dám lên tiếng thừa nhận mắc chứng tự kỷ cũng là ngày thay đổi cuộc đời. Kể từ lúc này, Stoltman không còn phải băn khoăn gì nữa, thoải mái tư tưởng vui chơi, học hành.

Lợi dụng quán tính tái lặp hành vi của chứng tự kỷ, Stoltman vượt qua thử thách rèn luyện thể lực khắc nghiệt nhất.

Lợi dụng quán tính tái lặp hành vi của chứng tự kỷ, Stoltman vượt qua thử thách rèn luyện thể lực khắc nghiệt nhất.

Tự kỷ thành lợi thế

Stoltman có anh trai là Luke, thanh niên khỏe mạnh yêu thể thao, đặc biệt say mê luyện tập thể lực. Luke đến phòng tập thể dục địa phương đều như đếm và không quên khuyến khích, dắt em trai đi theo.

Ở tuổi thiếu niên, Stoltman gầy như que củi. Cậu ghét vận động, tất nhiên cũng ghét luôn phòng tập thể dục, vì ở đó toàn những người “đô con”. Tuy nhiên, Stoltman yêu quý và ngưỡng mộ anh trai. Trong mắt cậu, Luke là vận động viên thể lực khỏe nhất. Cậu muốn trở thành người đàn ông đáng nể giống như Luke và lẽo đẽo bám đuôi anh trai đi khắp nơi.

Nhờ Luke không ngừng động viên, Stoltman bắt đầu rèn luyện sức khỏe. Tuy “còi hin”, Stoltman cuồng ăn, chỉ bữa ăn trưa tại trường cũng “ngốn” hết 4 – 5 cái bánh mì. Lúc nào, trong cặp của cậu cũng sẵn đồ ăn vặt. Ngoài các bữa chính, Stoltman còn ăn 2 – 3 bữa phụ và rất nhiều trái cây, bánh kẹo.

Cũng từ khi bắt đầu tập thể lực, Stoltman phát hiện chứng tự kỷ của mình là tài sản siêu quý giá. “Khi bạn tập thể dục, bạn cần xây dựng thói quen. Tôi nhận ra, giữa tự kỷ và thể thao có sự tương đồng. Đó là thức dậy, ăn uống, luyện tập đúng giờ giấc và giống hệt nhau mỗi ngày”.

Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần lỡ nhịp thói quen tự đặt một chút, Stoltman liền bứt rứt, trách cứ bản thân không dừng. Ai dè, chính cái thói tưởng tai hại này lại phát huy khả năng tuyệt đỉnh trong chế độ ăn tăng cơ và tập thể lực. Nhờ nó, Stoltman dễ dàng vượt qua các thử thách khắc nghiệt. Chẳng bao lâu, cậu đã từ thiếu niên gầy trơ xương thành chàng trai cao lớn, khỏe siêu thực.

Stoltman và anh trai – Luke, cặp anh em khỏe nhất hành tinh.

Stoltman và anh trai – Luke, cặp anh em khỏe nhất hành tinh. 

Chiến thắng rực rỡ

Năm 2016, Sheila – mẹ và người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Stoltman qua đời. Trước khi bà trút hơi thở cuối cùng, Stoltman đã nắm tay và thề sẽ giật giải Người đàn ông khỏe nhất thế giới (cuộc thi thường niên được tổ chức tại Mỹ) tặng bà, đồng thời không ngừng phấn đấu làm quý ông tử tế trong cuộc sống đời thường. Mẹ của Stoltman hứa sẽ cổ vũ cho anh từ thiên đường, yên tâm khép mắt an nghỉ.

Vì lời thề với mẹ, Stoltman khởi động kế hoạch tập luyện và ăn tăng cơ gắt gao nhất. Mỗi ngày, anh tiêu thụ đúng đủ 10 nghìn calo. Năm 2019, trong chuyến lưu diễn Cuộc sống người khổng lồ (Giants Live), anh tuyên bố sẽ giành giải trong vòng 2 năm tới. “Tôi sẽ bước lên vũ đài vào năm 2020 và hạ đo ván đương kim vô địch vào năm 2021”.

Đã nói là làm, Stoltman ra mắt sàn cử tạ quốc tế vào năm 2020 và thật sự giật giải quán quân năm 2021. Ngày 20/6/2021, trong trận chung kết Người đàn ông khỏe nhất thế giới được tổ chức tại Sacramento, California, Stoltman vượt qua Oleksiy Novikov (quán quân năm 2020, đến từ Ukraine), xuất sắc dành danh hiệu Người đàn ông khỏe nhất thế giới 2021.

Chiến thắng của Stoltman khiến thế giới vỡ òa niềm vui. Không ai có thể ngờ, một thanh niên lớn lên và sống chung với chứng tự kỷ lại thành công vươn lên đỉnh cao ngoạn mục đến vậy. Riêng Stoltman, anh không hề bất ngờ chút nào.

“Tôi luôn nói với trẻ em và các bậc phụ huynh rằng, hãy xem tự kỷ như một siêu năng lực. Bạn biết đấy, tự kỷ là khác biệt và sự khác biệt chính là lợi thế to lớn. Nó là thứ mà chỉ những người tự kỷ như tôi có, còn người khác thì không”, Stoltman tự hào.

Với thành quả rực rỡ ở tuổi 27, Stoltman chứng minh được “lợi thế như siêu năng lực” của tự kỷ. Anh truyền cảm hứng đến đông đảo mọi người, làm thay đổi suy nghĩ và tạo dựng niềm tin mới.

Theo Cnn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.