Thảm họa phủ thêm bóng tối lên GD Sierra Leone

GD&TĐ - Sierra Leone vừa trải qua thảm họa lở đất kinh hoàng với con số tử vong lên tới khoảng 500 người, trong đó có nhiều giáo viên và học sinh. Thảm họa này chồng chất thêm khó khăn cho GD tại quốc gia thuộc diện nghèo nhất thế giới…  

Thảm họa phủ thêm bóng tối lên GD Sierra Leone

Trường học bị xóa sổ

Cô Ann-Marie Caulker lật giở những bức ảnh trên điện thoại di động: Toàn những gương mặt trò nữ xinh xắn và thông minh ở ngôi trường tại Freetown trước khi xảy ra thảm họa lở đất kinh hoàng.

“Bé gái này đã thiệt mạng” - Caulker nghẹn ngào nói với đôi mắt ngấn nước - “Em này cũng đã chết, con bé thông minh lắm”.

Tổng số người chết trong vụ lở đất hồi trung tuần tháng 7 tại thủ đô của Sierra Leone lên tới khoảng 500 người. Hàng trăm người khác vẫn đang mất tích sau một trong những thảm họa tồi tệ nhất mà quốc gia thuộc diện nghèo nhất thế giới phải gánh chịu.

Caulker, 48 tuổi, sáng lập Trường Quốc tế Royal Kings một thể kỉ trước nhằm mang lại giáo dục cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất tại thủ đô Freetown.

Sau thảm họa, cô đã mất khoảng 50 học sinh và ít nhất 2 giáo viên.

“Trường của chúng tôi bị phá huỷ hoàn toàn. Nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng thiệt mạng trong thảm họa” - Caulker cho biết.

Ba ngày mưa lớn gây trận lũ và lở đất kinh hoàng vào đêm 13 - 14/8 đã cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Ngôi trường gồm 2 cấu trúc nhà, trong đó 1 khu nhà nằm dưới chân thung lũng bị đất lở cuốn phăng. Khu nhà còn lại nằm trên sườn đồi dù vẫn còn nhưng toàn bộ trang thiết bị, bàn ghế các lớp học đã bị những kẻ hôi của vét sạch. “Toàn bộ bàn học và ghế dài đều bị lấy đi hết” - Caulker buồn bã nói.

Chồng chất khó khăn

Thầy giáo Felix Mansary cho biết số phận của nhiều học sinh và đồng nghiệp vẫn chưa rõ. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi thông tin về những giáo viên khác, học sinh và phụ huynh của trường” - Felix nói - “Thảm họa này khiến chúng tôi nản chí bởi công việc dạy học vốn đã rất khó khăn trước khi thảm họa xảy ra”.

Sau khi trải qua hàng chục năm nội chiến, cách đây vài năm Sierra Leone lại là tâm điểm hoành hành của dịch Ebola. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất về thụ hưởng giáo dục là trẻ em gái. Dịch Ebola khiến nhiều gia đình rơi vào kiệt quệ kinh tế và nhiều em gái phải bán dâm và mang thai ngoài ý muốn trong giai đoạn trường học đóng cửa. Theo nghiên cứu của Save the Children, 10% nữ sinh phải bán dâm nuôi gia đình, tỉ lệ thanh thiếu niên mang thai tăng 47% trong giai đoạn bùng phát Ebola.

Theo một quy định ban hành năm 2016, những nữ sinh mang thai không được tham dự các kỳ thi quan trọng.

Thực tế thì việc cấm nữ sinh mang thai tới trường và dự thi đã được thực hiện một cách không chính thức trong nhiều năm qua. Tuy nhiên nước này chỉ mới ban hành văn bản chính thức hồi tháng 4/2015, trong đó quy định rõ cấm những nữ sinh có biểu hiện mang thai mà có thể nhận thấy “bằng mắt thường” đến trường và dự thi tuyển sinh cả trung học lẫn đại học.

Chính sách trên có ảnh hưởng tiêu cực tới khoảng 10.000 nữ sinh trong độ tuổi đến trường tại quốc gia nghèo thuộc diện nhất thế giới này. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là quyết định cấm cản này được đưa ra vào thời điểm các trường học trên cả nước chỉ mới vừa mở cửa trở lại sau 9 tháng đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh Ebola - căn bệnh cướp đi sinh mạng gần 4.000 người tại Sierra Leone.

Sierra Leone ở Tây Phi, nằm giữa Guinée và Liberia, Tây giáp Đại Tây Dương. Quốc gia này nổi tiếng với các mỏ kim cương nhưng chính kim cương là nguồn cơn gây ra những cuộc tranh đoạt và nội chiến đẫm máu và đời sống người dân rơi vào bần cùng hoá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ