Sự việc núi rác Cam Ly cả ngàn tấn đổ ập sau mưa bão, rác chảy y như dòng lũ lấp xuống thung lũng trồng rau, trồng hoa của dân Đà Lạt khiến tôi nhớ tới chuyến du lịch Tết của mình 3 năm trước. Cảnh đẹp ở Đà Lạt không đủ để tôi tha thứ cho ấn tượng về một chợ đêm Đà Lạt đầy rác, nhớp nháp bẩn thỉu, nơi cả du khách và người bán hàng mặc nhiên xả đủ thứ rác bẩn ngay lúc cao điểm chợ. Rác đó ở đâu nếu không phải do chính con người thải ra vô tội vạ, không quan tâm đến hậu quả môi trường?
Một câu chuyện nữa cũng nổi lên trên báo chí trong những ngày gần đây là việc người dân xây dựng nhà xâm lấn di tích quốc gia ruộng bậc thang ở xã Tả Van, Sa Pa. Nhiều gia đình có con tách hộ nhưng không có đất để làm nhà, khu tái định cư chưa được thành lập sau khi công nhận di tích ở khu vực người dân sinh sống.
Ở đây không chỉ là câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình ở các thành phố du lịch hàng đầu. Không chỉ là chuyện mỗi người thiếu ý thức khi vứt đi một cái túi nilon không cần thiết, mà là việc Đà Lạt đã không quy hoạch việc xử lý rác thải. 200 tấn rác mỗi ngày không được xử lý chôn lấp gây ô nhiễm môi trường từ lâu, thành phố không thể không biết. Đó là còn chưa kể Đà Lạt ngập lụt nặng nề, mà nguyên nhân là công tác quy hoạch kém khiến thành phố mất chỗ thoát nước. Trong cùng đợt mưa bão, Phú Quốc ngập lụt chưa từng thấy do bê tông hóa khắp nơi, hạ tầng không đủ đáp ứng.
Cũng không chỉ là chuyện các hộ gia đình ở Sa Pa thiếu chỗ ở cho con cái hay đua nhau tự phát làm homestay cho khách thuê để tăng thu nhập, mà là việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý di tích, không tạo được sinh kế cho người dân như chính lãnh đạo xã Tả Van thừa nhận. Và cả thành phố sương mờ Sa Pa cũng đang biến thành một công trường xây dựng khổng lồ bụi mù mịt, rừng núi biến mất dần dần.
Sự tham lam của con người đã khiến chính con người hứng chịu hậu quả mỗi ngày một nghiêm trọng. Lối sống không bền vững, chỉ nhìn thấy sự tiện lợi cho mình hay nguồn lợi trước mắt, thiếu đi quy hoạch, tầm nhìn lâu dài đang khiến thiên nhiên nổi giận, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên mất đi và tệ không kém - sự mất mát bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Điều đó sẽ khiến những điểm du lịch hấp dẫn sẽ mất đi sức hút, người dân mất đi nguồn thu nhập lâu dài, đời sống tinh thần bị tước đoạt.
Rất nhiều thành phố du lịch của Việt Nam, những nơi được mệnh danh là những viên ngọc tuyệt đẹp, cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. “Thành phố đáng sống” Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết… nào là xả nước thải ra biển, công trình xây dựng ồ ạt phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, rác thải ngập các di tích, ngập trên bờ biển, cuộc sống yên bình và ứng xử giữa con người bị thương mại hóa…
Nhưng không phải có những nơi mà quy hoạch du lịch được làm rất tốt, như ở Quảng Bình, nơi các di sản thế giới được bảo vệ rất nghiêm, môi trường được giữ gìn, không bị tác động bởi sinh hoạt, giá cả được niêm yết rõ ràng trên bờ biển khiến du khách rất yên tâm.
Không phải chúng ta không làm được. Chỉ có điều là phải hành động, đừng để lòng tham vô đáy dẫn chúng ta tới những hậu quả không thể cứu vãn vào một tương lai không còn xa.