Người dân khu Nam Sài Gòn: “Ám ảnh” với mùi hôi thối

GD&TĐ - Theo UBND TPHCM, hoạt động của các nguồn phát thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TPHCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.600 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại thành phố.

Một góc bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: M.Q.A
Một góc bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: M.Q.A

Cần giải pháp

Mùi hôi thối này là nỗi ám ảnh và không còn quá xa lạ với các cư dân Nam Sài Gòn bởi nó đã hoành hành trước đây từ bãi rác Đa Phước (ở huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành.

Ông Ngô Thành Đức - Phó Giám đốc Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM (MBS) cho biết: Sở TN&MT TPHCM đã có công văn chỉ đạo các quận, huyện nắm bắt tình hình và có hướng khắc phục. Sở đã quyết liệt chỉ đạo giám sát và yêu cầu chủ đầu tư bãi rác - VWS thực hiện triển khai 10 giải pháp những năm trước đây, và bổ sung một số giải pháp khắc phục để giảm mùi hôi, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. MBS được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc này.

Cụ thể, Sở TN&MT yêu cầu VWS phải tập trung thời điểm tiếp nhận chất thải sinh hoạt trong ngày, bố trí phương tiện tại các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo gió.

Khi gió lớn, mưa to phải ủi chất thải từ xe rác xuống khu chôn lấp thấp để giảm tác động thời tiết, đồng thời phải liên tục rửa xe vận chuyển rác trước khi ra khỏi bãi.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước phải tăng nhân lực, thiết bị để hạn chế khu mở bãi, thực hiện việc che phủ bằng liner nhanh hơn sau khi chất thải được ủi, đầm nén xong. Gia tăng lớp liner để che phủ rác hàng ngày.

Theo UBND TPHCM, hoạt động của các nguồn phát thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TPHCM, mỗi ngàytiếp nhận khoảng 5.600 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại thành phố.

 

Chủ đầu tư phải tăng cường sử dụng máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng, tăng công nhân kiểm tra, phun xịt thêm hóa chất thân thiện môi trường để khống chế mùi hôi. Hệ thống phun sương cần được lắp đặt trên cột bao quanh khuôn viên công trường nhằm hỗ trợ, ngăn chặn mùi phát tán từ bãi chôn lấp… Việc này sẽ được MBS giám sát và báo cáo về Sở TN&MT.

Theo Sở TN&MT, mỗi ngày thành phố thải ra 8.900 tấn rác. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận 5.000 tấn. Bãi này có thiết kế 24 triệu tấn, đã tiếp nhận 13 triệu tấn và núi rác đã cao 27 m.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nêu quan điểm: Không thể để kéo dài tình trạng ô nhiễm mùi hôi đối với dân cư. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Công nghệ xử lý rác thải chôn lấp như hiện nay đã lạc hậu. Thành phố cần cương quyết chuyển đổi mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác, thì mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm trên.

“Công nghệ chôn lấp rác hiện nay sẽ có nguy cơ phát tán các virus và cả khí ô nhiễm độc hại. Khi “đến hẹn” người dân ở khu vực này và các nơi lân cận lại phải chịu mùi hôi thối vào mùa gió Tây Nam”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa lo ngại.

Người lượm rác tại Đa Phước. Ảnh: Đông Anh
  • Người lượm rác tại Đa Phước. Ảnh: Đông Anh

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Một cư dân ở khu Nam Sài Gòn chia sẻ: Hiện chúng tôi chỉ được hưởng không khí trong lành vào những tháng nắng nóng, khoảng từ tháng 12 đến tháng 4. Những tháng còn lại mùi hôi thối từ Đa Phước sẽ tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu từ ngoài đường cho đến trong nhà. Dù có đóng cửa thì mùi thối nồng nặc vẫn tấn công liên tục. Đây là nỗi “ám ảnh” kinh khủng đối với cư dân chúng tôi.

Ông Ngô Xuân Đông - Trưởng Phòng GD&ĐT quận 7 cho biết, các trường học trên địa bàn đang trong thời gian nghỉ hè nên chưa ghi nhận phản ánh về tình hình ô nhiễm ở địa phương.

Theo ông Đông, trước đây tại các đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận 7 cũng có phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm tại Khu bãi rác Đa Phước, ảnh hưởng đến dân cư. Một số trường ở gần khu kênh rạch bị ô nhiễm, cũng có phản ánh bị ảnh hưởng mùi hôi của nước kênh. Khi nhận được thông tin, ngành Giáo dục phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương đến xử lý khơi thông dòng kênh và khử mùi.

“TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh, đáng sống, nhưng việc xử lý và phân loại rác lại quá lạc hậu so với thế giới. Thành phố cần phải chuyển đổi bằng công nghệ đốt rác, các chất thải sẽ chuyển thành điện và phân bón hữu cơ.

TP bằng mọi giá phải thay đổi công nghệ xử lý rác và cũng phải cương quyết xử lý về thời hạn với dự án của VWS. TP vẫn có quyền thay đổi về điều khoản hợp đồng vì dự án xử lý rác Đa Phước có thời hạn đến năm 2024... Phương pháp chôn lấp rác tốn rất nhiều đất, một phần là các chất rỉ từ rác rất nguy hiểm, khi đó đất ở khu vực này sẽ không dùng vào việc khác được; ngoài ra còn gây ô nhiễm không khí bốc mùi hôi thối...”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.