Thẩm định sách giáo khoa trên thế tam giác đều

GD&TĐ - Việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) mới với lớp 6 cần trên thế tam giác đều, để giáo viên là người hướng dẫn học trò tương tác trực tiếp với SGK, chứ không phải giảng từng nội dung trong SGK cho học trò ghi chép.

Học sinh Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) học Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.
Học sinh Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) học Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.

Sách sau khi thẩm định phải khác về chất

Ngày 7/9, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Tham dự chương trình có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT); 128 thành viên của 12 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cùng một nội dung kiến thức nhưng ở chương trình hiện hành chủ yếu yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ với học sinh. Quan trọng là học sinh nắm và hiểu được cái gì… Còn với Chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu cần đạt của học sinh là hành động. Tức là học sinh phải biết làm gì với kiến thức đã được học.

Vì thế, khi thẩm định SGK mới, các thầy cô cần đối chiếu vào bài học hoặc chủ đề tương ứng, từ đó xem xét học sinh có điều kiện để thực hiện hành động ấy không? Nếu không thực hiện được hành động ghi trong bài học, cuốn sách chưa thể hiện đầy đủ nội dung, mục tiêu chương trình. Tức là, học sinh biết dùng kiến thức ấy để làm gì và trước đấy biết làm gì để tiếp nhận kiến thức. Trong sách phải có những nội dung, lệnh rõ ràng để tổ chức cho học sinh học tập, thực hiện được yêu cầu của chương trình bài học.

Ngoài ra, khi giáo viên nhìn vào từng hoạt động trong SGK sẽ nhận ra sự hỗ trợ của cuốn sách trong việc giảng dạy của mình. Để giúp học sinh học tốt, nhanh chóng bắt nhịp bài học, tất cả tình huống đặt vào trong bài đó phải giúp các em vận dụng được một phần kiến thức đã có; tình huống đó được mở đầu như câu chuyện. Phần kiến thức mới, học sinh có thể khai thác bằng cách: Đọc, nghe, nhìn, nói. Các bài tập trong từng bài học và trong tổng thể SGK là hệ thống bài tập tối thiểu.

Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) lựa chọn SGK mới – lớp 1. Ảnh: Sỹ Điền
Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) lựa chọn SGK mới – lớp 1. Ảnh: Sỹ Điền

Đồng thuận từ trên xuống dưới

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Mục đích của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục. Chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Đây là vấn đề lớn.

Theo Thứ trưởng, thầy cô trực tiếp tham gia xây dựng chương trình sẽ thấy được  gian nan, vất vả. Chúng ta vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm các nước. Tuy nhiên, cũng có những nước đã thành công, nhưng có nước chưa thành công, có nước đã làm rồi nhưng sau đó không làm nữa, họ chuyển sang nền giáo dục truyền thụ kiến thức. Với chúng ta, khi đã “bắt tay” vào việc phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, bởi người hưởng lợi chính là học sinh, con em chúng ta. “Do vậy, vai trò thẩm định SGK là rất quan trọng. Cái mới bao giờ cũng khó, nhưng chúng ta có niềm tin là sẽ làm được” – Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng khẳng định: Chúng ta thay đổi chủ yếu về cách tiếp cận, phương pháp và đổi mới cách đánh giá, còn về nội dung chương trình không có sự thay đổi lớn. Nhà xuất bản đã thực nghiệm SGK, sau khi thực nghiệm xong, tiến hành làm bản mẫu để các thầy, cô thẩm định. Thầy, cô thẩm định xong sẽ trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bộ trưởng là người ký cuối cùng và người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng là Hội đồng thẩm định SGK. Do đó, các thầy, cô tham gia Hội đồng thẩm định sẽ chịu trách nhiệm cùng với Bộ trưởng trong việc giải trình trước xã hội. Vì thế, trong quá trình thẩm định, những băn khoăn, lo lắng của Hội đồng thẩm định sẽ được các tác giả biên soạn sách tháo gỡ. Mục đích là làm cho cuốn sách tốt hơn.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị: Các thầy, cô cần tập trung nghiên cứu vấn đề căn cốt, trước hết là quan điểm xây dựng chương trình, để phân tích cách tiếp cận sách cũ so với sách mới có sự khác biệt gì, từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá. Đặc biệt, thầy, cô trong Hội đồng thẩm định cần nắm chắc Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK.

“Đây là những nội dung quan trọng, đề nghị các thầy cô nắm vững để thẩm định SGK và giúp tác giả hoàn thiện, cho ra được những bộ SGK tốt, chất  lượng” – Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các thành viên trong Hội đồng thẩm định, cần đọc kỹ từng bản thảo, thậm chí đọc kỹ từng câu chữ trong bản mẫu SGK. Sau khi nghiên cứu kỹ, các thầy, cô có thể góp ý về nội dung, sắp xếp lại các bài học cho logic, bảo đảm yếu tố sư phạm. Mục đích là giúp các tác giả tiếp tục hoàn thiện cuốn sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.