Thái Thùy Linh "chơi chiêu" để rèn con gái bướng bỉnh

Khi con sai, Thái Thùy Linh "làm mặt lạnh", giả vờ khóc để con biết cô buồn thế nào, nhưng cũng có lần nhập vai quá mà... khóc luôn.

Thái Thùy Linh "chơi chiêu" để rèn con gái bướng bỉnh

Hơn 6 tuổi nhưng bé Gạo Nếp, con của ca sĩ Thái Thùy Linh, đã tỏ ra là một cô gái cá tính, mạnh mẽ không kém gì mẹ. Nữ ca sĩ Sao mai điểm hẹn 2004 kể, từ lúc chưa đầy một tuổi, bé đã biết thể hiện cảm xúc yêu, ghét rõ ràng, đôi khi cũng nổi cáu và phản kháng rất bản năng với những điều không thích. 

Bởi vậy, Thái Thùy Linh cũng phải dùng "chiêu" để "làm mềm" cái tính bướng bỉnh của cô con gái bé bỏng này.

Cô chia sẻ, mỗi khi con gái có hành động chưa đúng, cô đều tỏ thái độ không đồng tình, làm mặt lạnh nhạt ngay tức khắc. "Từ lần đầu tiên con gái biết "đánh" lại mẹ lúc hờn dỗi thì đã bị mẹ cầm tay con tự đánh túi bụi vào chính người mình, cộng thêm vẻ mặt rất đau khổ "đây, con muốn đánh mẹ thì con đánh mẹ đi". 

Cũng có lần mình giả vờ khóc để con biết rằng mình buồn thế nào, mình không muốn con lặp lại hành động kia nữa. Và có lần nhập vai quá thì... khóc thật luôn.

Mọi người thường nói cách dạy con của mình hơi "nặng" nhưng mình nghĩ đó là điều cần thiết. Mình tin là mình đã làm đúng. Mình đề cao chữ "hiếu" của con gái với cha mẹ vì nó là gốc rễ, là động lực để con gái làm tốt những công việc khác. 

Mình muốn con gái phát triển tự nhiên nhưng không hư hỗn, không vô tâm, nhạy cảm hơn và biết yêu thương mọi người. Bé Gạo Nếp đã và đang thực hiện được như vậy. Từ khi có bé, mình cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui ngập tràn".

ThaiThuyLinh-3093-1428285329.jpg

Bé Gạo Nếp giống mẹ Thái Thùy Linh nhiều điểm, ở cả ngoại hình lẫn tính cách.

Làm mẹ, Thái Thùy Linh để ý đến từng hành động của con để uốn nắn kịp thời. Cô nghiêm khắc nhưng không độc đáo, dùng sức mạnh của người mẹ để áp đặt con gái làm theo. Ngược lại, cách giải thích của cô trải qua từng bước để con "ngấm" từ từ và sau đó tự giác nhận lỗi. 

Ca sĩ kể lại một câu chuyện mà qua đó đã hướng dẫn con cách cư xử lễ phép, quan tâm tới bà ngoại: "Một lần, khi chuẩn bị đi ngủ thì Gạo Nếp dậy uống nước ở phòng ngoài. Mình nằm trong phòng ngủ chờ con thì loáng thoáng nghe tiếng bà ngoại phàn nàn. 

Khi con về phòng, mình gặng hỏi mãi thì mới biết là bà ngoại nằm ở sofa, thấy Nếp đi qua nên nhờ tắt cái quạt. Nàng không tắt, lý do là "cháu buồn ngủ lắm".

Mình nghiêm giọng lại và nói: "Thế giờ con có ra tắt không hay để mẹ ra tắt cho mẹ của mẹ?", rồi mình đứng lên luôn. Thấy mẹ làm vậy, nàng cũng lẽo đẽo đi phía sau, cứ giả vờ chạm tay vào người mẹ để làm hòa. Mình vẫn giữ nghiêm thái độ và nói thêm: "Đừng sờ vào người tôi. Bà đau chân mà không tắt quạt cho bà à? Thế là bất hiếu nghe chưa?".

anh13-7628-1409974241-1702-1428285329.jp

Thái Thùy Linh cho con học hát, múa từ nhỏ nhưng cô cũng muốn bé tập võ để rèn luyện tính thiếu kiên nhẫn.

Hai mẹ con đi về phòng, mình nằm quay lưng lại với nàng, không nói năng gì. Nàng biết mình giận, cũng không dám sờ tay vào người mẹ nữa. Mình nằm yên nhưng vẫn để ý thấy nàng thi thoảng lại liếc sang mẹ. Mình đợi vài phút cho nàng "ngấm" mới quay sang hỏi xem có muốn nói chuyện không? 

Rồi mình giải thích cho con: "Con có biết bà ngoại là thế nào với mẹ không? Con có biết ai là mẹ của mẹ không? Ai đẻ ra mẹ không? Con có yêu mẹ của con không? - Nàng gật đầu lia lịa rồi khóc nấc, nước mắt lã chã: "Con biết rồi. Con sai rồi".

Khi con biết nhận ra lỗi lầm thì mình hạ giọng và nhẹ nhàng nói cho con hiểu: "Con biết không, ngày xưa mẹ cũng bé tí như con bây giờ. Bà nuôi mẹ cũng vất vả như mẹ nuôi con bây giờ. Con yêu mẹ thì cũng phải biết yêu bà. 

Dù bà có lúc sai hay có lúc mắng con, con có yêu bà ít hay nhiều thì cũng phải chăm sóc bà, giúp đỡ bà. Bà đau chân thì mới phải nhờ con. Sau này, con của con cũng gọi mẹ là bà ngoại. Nếu lúc đó, mẹ nhờ con của con tắt quạt giúp mẹ mà con của con không làm thì con có buồn không?"

Ở độ tuổi này, con đã biết nhận thức nên khi được mẹ giải thích cặn kẽ, con sẽ nhận ra điều gì nên làm và không nên làm. Con sẽ tự xin lỗi khi làm sai mà không cần mẹ phải mớm lời hay bắt ép như kiểu "con xin lỗi bà đi". Con phải tự giác vì mình không thể suốt ngày kè kè bên con được, bây giờ và sau này lớn lên cũng vậy".

Theo ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ