Thái Nguyên: Xử lí cơ sở bán online hàng ngàn bộ quần áo trẻ em không rõ xuất xứ

GD&TĐ - Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên vừa phát hiện, kiểm tra và xử lí cơ sở kinh doanh online với hơn 2.000 bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xử lí cơ sở kinh doanh vi phạm
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xử lí cơ sở kinh doanh vi phạm

Cơ sở kinh doanh nói trên do ông Mai Quyết Thắng (địa chỉ tổ 18, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái nguyên) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, một lượng lớn đơn hàng đã được đóng gói kỹ lưỡng với đầy đủ tên tuổi người nhận đang chờ vận chuyển đến cho khách đã đặt mua hàng.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại địa điểm kinh doanh này chứa trữ 2.000 bộ quần áo trẻ em, không thể hiện địa chỉ sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

2.000 bộ quần áo trẻ em, không thể hiện địa chỉ sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm được phát hiện tại thời điểm kiểm tra
2.000 bộ quần áo trẻ em, không thể hiện địa chỉ sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm được phát hiện tại thời điểm kiểm tra

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Mai Quyết Thắng không xuất trình được Giấy đăng ký kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Địa điểm này cũng chưa thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử với cơ quan có thẩm quyền.

Với những dấu hiệu vi phạm tại hiện trường kiểm tra, lực lượng chức năng đã hoàn tất các thủ tục và tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, làm rõ từ đó có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Cơ sở này không để biển hiệu, thường xuyên trốn tránh bằng cách đóng cửa địa điểm chứa trữ hàng hóa khiến cho lực lượng chức năng khó có điều kiện tiếp cận. Đây là hành vi kinh doanh tinh vi mà phải mất rất nhiều thời gian kể từ khi trinh sát đơn vị mới có thể tiến hành kiểm tra, xử lý.

“Đây cũng là một trong những vụ việc tương đối lớn trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử mà Đội chúng tôi đã phát hiện và xử lý trên địa bàn thành phố Thái Nguyên” - ông Trần Khánh Phương trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.