Thái Nguyên: Tập huấn xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ DTTS

GD&TĐ - Vừa qua, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số”, dành cho 52 học viên là cán bộ quản lí, chuyên viên và giáo viên mầm non.

Một hoạt động của đợt tập huấn tại trường Mầm non Liên Minh (huyện Võ Nhai)
Một hoạt động của đợt tập huấn tại trường Mầm non Liên Minh (huyện Võ Nhai)

Trong phần nội dung lí thuyết, lớp tập huấn đã triển khai các chuyên đề về phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số; xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Trong phần thực hành, thực tế tại trường Mầm non Liên Minh (huyện Võ Nhai), lớp tập huấn đã tổ chức dự giờ một số hoạt động, tham quan xây dựng môi trường trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Các học viên cũng được trao đổi thảo luận sau các hoạt động dự giờ tham quan, theo các tiêu chí xây dựng môi trường trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số.

Các giáo viên mầm non tham gia nội dung tập huấn
Các giáo viên mầm non tham gia nội dung tập huấn

Bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: “Lớp tập huấn là hoạt động chuyên môn rất hữu ích để qua đó đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên mầm non tích cực sáng tạo, lựa chọn nội dung lồng ghép tích hợp hướng dẫn tổ chức cho trẻ hoạt động, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non. Thông qua đó, giáo viên biết tạo cơ hội để trẻ được giao tiếp với nhiều người khác trong cộng đồng, tham gia các hoạt động lễ hội tại địa phương, tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tăng thêm vốn từ vựng cho trẻ về tiếng Việt”.

Được biết, từ năm học 2012 - 2013, tỉnh Thái Nguyên đã tham gia Dự án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1”, triển khai tại các huyện miền núi, vùng cao như Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương.

Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện giúp học sinh dân tộc nhanh chóng tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt, do đó học sinh thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa, kỹ năng xã hội. Điều đó cũng tạo điều kiện, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt hơn, giúp các em “được học” và “học được”, tạo sự công bằng giữa các vùng miền trong giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ