Tham gia chương trình đối thoại trực tuyến có ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa.
Chương trình đã đặt ra và thảo luận về một số vấn đề trong việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên, như: Kết quả nổi bật giai đoạn 2016 - 2020; Công tác triển khai chính sách của Trung ương và lồng ghép các chính sách đặc thù của địa phương; Sự phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền núi; Sự thay đổi trong cuộc sống và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số; Hiệu quả từ Chương trình 135 (cho các xã đặc biệt khó khăn) và Đề án 2037 (cho các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống)…
Trong 05 năm qua, Thái Nguyên đã huy động được trên 6.000 tỷ để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, hằng trăm công trình giao thông, trường học, thủy lợi, trạm y tế dành cho đồng bào đã được đầu tư xây dựng mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh, từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo GD&TĐ về vấn đề chăm lo giáo dục đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, ông Nguyễn Thái Nam - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên - cho biết: “Trong việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì chính sách giáo dục là một trong những chính sách quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong thời gian qua, Thái Nguyên đã thực hiện rất tốt các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ gạo cho học sinh khó khăn. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cấp các ngành, Thái Nguyên hiện đã đạt tỷ lệ 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh.
Trong thời gian tới đây, Thái Nguyên sẽ tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư vào 02 dự án, dành cho các nhà trường dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh và lĩnh vực đào tạo nghề cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.