Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đạt được những kết quả tích cực, toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất của nông dân ngày càng được nâng cao.
Tính đến nay Thái Nguyên về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu so với kế hoạch đề ra. Hạ tầng kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, trong đó có 112/137 xã đạt tiêu chí giao thông chiếm 82%, 133 xã đạt tiêu chí thủy lợi (97%), 137 xã đạt tiêu chí Điện (100%), 126 xã đạt tiêu chí Trường học (92%), 101 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (74%) 131 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thông (96%) 122 xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông (89%) và 114 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư (82%).
Tích cực triển khai các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án nông nghiệp công nghệ cao, triển khai thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như vùng chè, cây ăn quả, rau, cây dược liệu… Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, phát triển nhân rộng các vùng sản xuất tập trung, sản xuất liên kết theo chuỗi, phát triển Hợp tác xã nông nghiệp.
Về giáo dục, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển giáo dục giai đoạn 2016 – 2020. Đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia của tỉnh Thái Nguyên, nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, nâng cao chất lượng, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng NTM, có 135 xã đạt tiêu chí giáo dục chiếm 99%.
Tiêu chí y tế đạt 100%, trong đó cơ sở vật chất thiết bị và nguồn lực được tăng cường. Đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, công tác giám sát dịch tễ được chủ động triển khai. Chương trình mục tiêu y tế quốc gia (sức khỏe môi trường, y tế học đường…)
Về văn hóa, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với phong trào thu đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM”. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng sâu rộng.
Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao trong việc bảo vệ môi trường. Tổ chức phân loại, tự xử lý rác thải ngay tại gia đình, vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật được thu gom đúng nơi quy định. Phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường.
Hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh được nâng cao về chất lượng, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn đối với những cán bộ công chức không đảm bảo tiêu chuẩn, chức danh theo quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Chủ động đấy tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá, giữ vững ổn định chính trị, an ninh.
Như vậy, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, công cuộc xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ nét cả về bề rộng và chiều sâu. Từ những kết quả đã đạt được, căn cứ vào những tiêu chí còn lại, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục khắc phục và hoàn thiện những hạn chế. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí.