Thị xã Phổ Yên hiện có số dân hơn 193.000 người, sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các khu vực, mức sống trung bình của các hộ dân có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, do có những khu vực “phát triển nóng” về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, cho nên sự chênh lệch giàu nghèo càng có xu hướng tăng cao.
Xác định việc hỗ trợ vì mục tiêu giảm nghèo cho những khu vực và các hộ dân khó khăn là nhiệm vụ quan trọng, trong giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Phổ Yên đã vào cuộc quyết liệt, bám sát tình hình thực tế để đưa ra những giải pháp phù hợp. Hiệu quả của chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương được thể hiện rõ rệt khi tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,4% xuống hiện còn 2,4%. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về giảm nghèo mà tỉnh Thái Nguyên giao.
Trao đổi về kết quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, Trưởng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của địa phương cho biết: “Quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ về sản xuất, cải thiện chất lượng đời sống cho đối tượng người nghèo, chúng tôi căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa bàn, từng hộ dân, dựa vào chính đề xuất của người dân mà hỗ trợ, cho nên giải quyết được đúng vấn đề cấp thiết”.
Dựa trên tình hình và nhu cầu thực tiễn, địa phương đã tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ nhà ở, cho vay vốn phát triển mô hình nông - lâm - nghề truyền thống…
Trong đó, điển hình có chị Tạ Thị Lan, xã Đông Cao, được hỗ trợ tham gia học nghề chăn nuôi 03 tháng và tham gia lớp trồng rau an toàn, sau khi hoàn thành khóa học chị đã mạnh dạn vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp với trồng rau an toàn cho thu nhập ổn định. Nhờ đó, đến nay gia đình chị Lan đã thoát nghèo theo hướng bền vững. Trao đổi với chúng tôi, chị Lan chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn và chuyển giao KHKT từ chương trình giảm nghèo cho nên gia đình tôi đã có kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng, thời gian tới, chương trình sẽ giúp được nhiều hộ thoát nghèo như gia đình tôi”.
Trao đổi với chúng tôi về công tác giảm nghèo trên địa bàn, Ông Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Đông Cao, cho biết: Xã Đông Cao đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng bền vững như: tư vấn, giải quyết việc làm, tiếp cận giải quyết nguồn vốn vay. Do đó, trong nhiệm kỳ 2015 -2020 địa phương đã giảm từ 100 hộ nghèo xuống còn 53 hộ, tương đương giảm từ 4,7% xuống còn 2,36% hộ nghèo trên địa bàn. Đây là kết quả rất tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch của thị xã và xã từ đầu nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, công tác khuyến nông khuyến lâm được Phổ Yên triển khai rất hiệu quả thông qua những cách làm linh hoạt, những mô hình phù hợp với điều kiện địa phương.
“Chúng tôi không chỉ triển khai bằng kinh phí của chương trình giảm nghèo, mà còn xin thêm kinh phí của thị xã Phổ Yên để hỗ trợ tốt hơn cho bà con. Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, gà an toàn sinh học, gà trứng thương phẩm… Bà con nhận hỗ trợ về vốn, giống, thức ăn, kĩ thuật, nhưng cũng phải đối ứng một tỉ lệ nhỏ. Có như vậy họ mới tăng thêm tính trách nhiệm và có động lực để vươn lên” - chị Ngô Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên chia sẻ.
Năm 2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên đã triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 07 xã, hỗ trợ cho 60 hộ, với tổng kinh phí hơn 955 triệu, trong đó ngân sách nhà nước là trên 644 triệu, người dân đối ứng trên 310 triệu. Kết quả, có 49 hộ trên tổng số 60 hộ tham gia dự án đã thoát nghèo, đạt tỉ lệ 81,66%.
Đối với dự án chăn nuôi gà thả vườn kết hợp trồng cây ăn quả, sau 4 tháng thực hiện, mỗi hộ đã thu lãi hơn 7 triệu từ gà, bên cạnh đó còn “lãi” thêm 01 vườn bưởi diễn hơn 50 cây đang sinh trưởng phát triển tốt.
Được biết, hiện nay, ngoài các mô hình nuôi gà cho kết quả tốt, Phổ Yên cũng đang đẩy mạnh triển khai hỗ trợ các hộ dân nhân rộng mô hình vỗ béo bò thịt, với hi vọng hiệu quả kinh tế ở mức cao hơn.
Trao đổi về việc triển khai các mô hình sinh kế, chị Ngô Thị Minh Phượng phân tích: Vấn đề hết sức cần thiết là cần hỗ trợ về kiến thức và kĩ thuật, để người dân phát triển sản xuất đạt được hiệu quả cao; bên cạnh đó thì việc động viên khích lệ các hộ dân dám nghĩ dám làm, dám mạnh dạn bứt phá để vươn lên cũng vô cùng quan trọng.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.