Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những thành tố cơ bản của quá trình dạy và học. Do đó, để chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường đã và đang được ngành Giáo dục và đạo tạo các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện.
Cô giáo Lê Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường THCS Trung Lương, huyện Định Hóa cho biết: Năm học mới này, trường THCS Trung Lương, huyện Định Hóa sẽ được học trong những lớp học khang trang hơn. Với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng, nhiều hạng mục của nhà trường như lớp học 2 tầng 6 phòng học, nhà lớp học 2 tầng 10 phòng học, nhà vòm sân khấu, nhà kho, thư viện và một số phòng phục vụ cho công tác chuyên môn đã dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, Nhà trường đã tiến hành tu sửa, cải thiện các phòng học xuống cấp, các phòng học bộ môn để kịp thời cho học sinh bước vào năm học mới.
Học sinh trường THCS Hợp Thành, Phú Lương dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị năm học mới |
Bà Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phú Lương chia sẻ: Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 – 2022, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phú Lương đã chỉ đạo các trường rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất và xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trong hè để chuẩn bị cho năm học mới. Tính đến thời điểm này, các trường trên địa bàn huyện về cơ bản đáp ứng được các điều kiện, sẵn sàng đón học sinh cho năm học mới.
Theo chỉ tiêu kế hoạch, năm học 2022 - 2023 huyện Phú Lương có gần 760 lớp và nhóm lớp với gần 23.000 học sinh ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Hiện nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp tại các địa phương cơ bản diễn ra theo đúng kế hoạch, với tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Những năm gần đây, số lớp, học sinh đều tăng cao theo mức tăng cơ học của dân số đòi hỏi số lượng giáo viên cũng phải tăng lên. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần được tăng cường biên chế giáo viên.
Theo thống kê của ngành Giáo dục và đào tạo Thái Nguyên, hết năm học 2021-2022, toàn ngành có trên 18.200 biên chế. Trong khi tính theo định mức quy định toàn tỉnh phải có gần 22.700 biên chế. Như vậy, toàn tỉnh thiếu trên 4.400 biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên đã phải giảm trên 2.000 biên chế. Dự kiến, trong giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh tiếp tục phải giảm 10%.
Khắc phục tình trạng khó khăn do thiếu giáo viên |
Do đó, để khắc phục khó khăn do thiếu nhân lực trước thềm năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tới từng cấp học và các cơ sở giáo dục.
PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2002-2023, Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế giáo viên, trong khi hằng năm các đơn vị đều phải giảm tối thiểu 2,5% biên chế. Căn cứ số biên chế được giao thêm, Sở Giáo dục và đào tạo đã tiến hành rà soát đội ngũ, phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, ngành giáo dục địa phương đã sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, thu gọn điểm trường và số học sinh trên lớp tối đa theo quy định của cấp học nhằm giảm số lớp và số giáo viên theo định mức.
Đồng thời, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức, điều động, biệt phái giáo viên; sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh...