Thái Nguyên: Lao động nông thôn thoát nghèo từ Đề án 1956

Thái Nguyên: Lao động nông thôn thoát nghèo từ Đề án 1956

Mở trang trại sau khi học nghề

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ban đầu anh Linh chủ yếu làm các công việc đồng áng, chăn nuôi. Do không xác định được mô hình kinh tế nên cuộc sống của anh và gia đình rất vất vả, cái nghèo bám theo. Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 2016, khi anh Linh đăng ký học nghề chăn nuôi thú y theo Đề án 1956 tại Trường Trung cấp Dạy nghề Nam Thái Nguyên. Quá trình học nghề, anh Linh đã được đào tạo để mở mô hình trang trại chăn nuôi gà mái đẻ.

Nhờ thường xuyên cập nhật kiến thức và kinh nghiệm, trang trại gà của anh Linh không ngừng được mở rộng, quy mô đàn gà tăng nhanh. Chỉ sau hơn 3 năm, trại gà đã mở rộng tới 3ha với khoảng 5.000 con gà đẻ, cung cấp trứng cho thị trường và nhà máy ấp trứng... Cho đến nay, mô hình trang trại gà đã đem lại cho anh Linh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mới đây, anh Linh còn tiếp tục đầu tư dây chuyền ấp trứng, và mở rộng thêm mô hình chăn nuôi lợn. Đồng thời, anh tiếp tục học thêm lớp trung cấp chăn nuôi thú y ở Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên để cập nhật và nâng cao kiến thức chăn nuôi, phục vụ hiệu quả hơn cho mô hình trang trại. Hiện nay, mô hình trang trại gà của anh Linh đang được nhiều hộ dân địa phương học tập, nhân rộng.

Anh Linh cho biết: "Học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tôi đã tìm được hướng phát triển và thành công. Quá trình học nghề, tôi không chỉ cập nhật được kiến thức nghề chăn nuôi thú y mà còn học được thêm nhiều kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh. Kết thúc lớp học, tôi được nhà trường và các thầy cô kết nối với các đơn vị cung ứng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật để khởi nghiệp".

Trên 82% lao động có việc làm sau đào tạo

Ông Nguyễn Văn Tiến - Giảng viên ngành Chăn nuôi Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên cho biết, 100% học viên lớp chăn nuôi thú y sau tốt nghiệp đều tìm được công việc, hoặc làm công việc cũ nhưng năng suất lao động tăng hơn. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, kỹ năng ngành chăn nuôi, trường cũng chú trọng đào tạo thêm các kỹ năng mềm về khởi sự kinh doanh, marketing và kết nối lao động nông thôn với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi. Đối với những lao động có ý định khởi nghiệp kinh doanh, nhà trường và các thầy cô sẽ kết nối lao động với các đơn vị có liên quan để cung ứng vốn, con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Theo đánh giá của ông Tiến, nhìn chung sau học nghề, các lao động nông thôn đều ứng dụng được kiến thức, kinh nghiệm vào sản xuất, làm nghề. Ngoài các nghề nông nghiệp, nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn của Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên cũng đang phát huy tác dụng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2019, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ theo Đề án 1956 đã học xong là 14.923 người, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2018 là 12.244 người, đạt 82,04%.

Ông Mông Quốc Dũng - Trưởng phòng Lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian qua tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp đào tạo cho 20.568 người, chiếm hơn 76%; lĩnh vực nông nghiệp đào tạo cho 6.247 người, chiếm 23,5%. Khi bắt đầu thực hiện Đề án 1956, tỉnh đặt ra kế hoạch đào tạo nghề cho 80.000 người trong 10 năm, mỗi năm đào tạo 8.000 người. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, nên chỉ đào tạo được một nửa là khoảng 4.000 người mỗi năm.

Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên dự kiến nguồn kinh phí đào nghề cho lao động nông thôn là 7,7 tỷ đồng, tuyển sinh và đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp là 2.800 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 1.200 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ