(GD&TĐ) - Trong thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng địa phương tỉnh Quảng Nam đã tăng cường tổ chức tăng nhiều đợt tuần tra, truy quét hoạt động đào đãi vàng, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn hai xã Đắk Pre và Đăk Pring (huyện Nam Giang) nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra khá mạnh mẽ, kéo theo đó là hoạt động của các loại tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngay ở đoạn suối Chà Cóp chảy qua gần trung tâm xã Đăk Pree tình trạng khai thác vàng trái phép diễn khá rầm rộ. Tiếng máy nổ rền vang một góc trời, tiếng cuốc xẻng loạng xoạng đào xới. Một người dân ở đây cho biết, có rất nhiều nhóm người từ vùng khác đến khu vực này khai thác vàng trái phép. Họ tỏ ra rất ngang nhiên, bất chấp sự truy quét nhiều lần của các lực lượng chức năng địa phương. Bỏ chạy hôm trước, vài ngày sau họ lại tiếp tục quay trở lại và đào đãi mạnh tay hơn.
Các đối tượng luôn tranh thủ, lén lút đào đãi để tránh sự tuần tra, truy quét của các lực lượng chức năng. Anh Đinh Văn Diên một người sống ở khu vực này cho hay, vào những ngày thời tiết mưa gió, rét buốt, tình trạng khai thác vàng sa khoáng càng diễn ra rầm rộ hơn.
Nhìn khúc suối nước chảy đục ngầu, lòng suối bị cày xới nham nhở như một bãi chiến trường, anh Zơ Râm Hoài bức xúc, hàng ngày chúng lùng sục, đào xới khắp nơi, lên rừng chặt phá cây làm ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của bà con. Lúc trước bà con dân bản có thể xuống suối lấy nước về sinh hoạt nhưng nay nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Nhiều khu vực đất hai bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, chúng còn lôi kéo một số thanh niên trong làng vào làm nhưng trả tiền công rẻ mạt.
Ông Hiên Diếu, Phó Chủ tịch xã Đăk Pring lo lắng: Trên địa bàn xã có rất nhiều điểm đào đãi vàng sa khoáng trái phép trở thành điểm nóng trong thời gian qua. Đặc biệt là các khe trên sông Pring, đoạn sông Thanh giáp giới với huyện Phước Sơn, tình trạng khái thác vàng sa khoáng càng diễn ra phức tạp. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Nhiều người dân bị các đối tượng lôi kéo đã gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của các lực lượng chức năng khi tiến hành truy quét.
Thiếu tá Trần Quốc Nam, Đồn phó phụ trách quân sự, Đồn biên phòng 661 cho biết: Mặc dù đơn vị đã chủ đông, độc lập và phối hợp với các lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Nam, công an, Huyện đội, kiểm lâm huyện Nam Guang, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, cùng lực lượng công an, dân quân địa phương hai xã Đăk Pre, Đăk Pring tổ chức tuần tra, truy quét, chốt chặn nhưng hoạt động khai thác, đào đãi vàng sa khoáng trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp. Tạo môi trường thuận lợi cho các loại tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội như: hoạt động mua bán, tang trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, đánh nhau, cờ bạc, mại dâm… lợi dụng để gia tăng hoạt động.
Hiện nay, có thêm tình trạng một số hộ dân trên địa bàn vì lợi ích kinh tế của bản thân nên liên kết với một số người ngoài địa bàn, mua máy móc và dụng cụ phục vụ đào đãi vàng trái phép trên địa bàn. Thậm chí có một số người dân tham gia tiếp tay, gùi cõng hàng cho hoạt động khai thác vàng trái phép. Mặc dù, cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền giáo dục nhưng sự nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, vì vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác ngăn chặn nạn “vàng tặc”.
Thiếu tá Trần Quốc Nam, Phó Đồn biên phòng 661 cho hay, trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp truy quét, đẩy đuổi hơn 350 đối tượng lén lút vào các khu vực đào đãi vàng sa khoáng trái phép ra khỏi địa bàn. Kết quả, đơn vị đã thu giữ và phá hủy 14 máy nổ các loại, 7 cối xay đá, 6 củ điện, 65 xe rùa, hàng ngàn mét dây điện và ống nước. Tháo dỡ, đốt hơn 76 lán trại. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, đơn vị cùng lực lượng kiểm lâm, công an huyện Nam Giang và công an, dân quân hai xã Đăk Pring, Đăk Pre tổ chức chốt chặn tại nhiều điểm trên địa bàn, tịch thu và đình chỉ 9 tổ máy đào đãi vàng sa khoáng của người dân địa phương liên kết với người ngoài địa bàn.
Do đây là những địa phương thuộc miền núi vùng biên giới có địa bàn trải rộng, phức tạp, đường sá đi lại khó khăn; trong khi đó công tác phối hợp quản lý hiện nay của cơ quan chức năng còn hạn chế. Cho nên các đối tượng đã tranh thủ lợi dụng để tổ chức hoạt động khai thác vàng sa khoáng, xâm hại đến rừng phòng hộ và rừng nguyên sinh. Đặc biệt, trong thời gian qua, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra khá “rầm rộ” tại các khe Tà Vạt, khe 85, 14, khe Đá, Vàng Xanh, các khe Thành Mỹ 1, Thành Mỹ 2, Thành Mỹ 3, khe Kiểm Lâm, bãi Voi thuộc địa bàn các xã Đắk Pring, Đăk Pre và nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Ông Hiên Diếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pring bày tỏ, đây thực sự là những điểm nóng của nạn “vàng tắc” ở địa phương. Tâm trạng của người dân tỏ ra rất bất an, còn cuộc sống của bà con dân bản bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, rất mong các lực lượng chức năng cùng với chính quyền xã nhanh chóng xây dựng phương án và tổ chức kiểm tra, truy quét đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép.
Trước tình hình và diễn biến của nạn đào đãi, khai thác vàng sa khoáng ngày càng diễn ra phức tạp, Thiếu tá Trần Quốc Nam cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương, triển khai lực lượng bám chốt và nắm chắc tình hình diễn biến hoạt động khai thác vàng trái phép. Tăng cường công tác tuần tra, truy quét, chốt chặn tại các khe bãi đào đãi vàng trái phép.
Đại Thắng - Đại Khải