Để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, chương trình GDPT mới cần giải quyết tốt nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề dạy học phân hóa.
Vậy nên hiểu về phân hóa như thế nào, phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện ra sao? PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Thành viên ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Trưởng ban xây dựng chương trình Ngữ văn mới – đã trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.
Hiểu về phân hóa trong giáo dục
- Thưa PGS, chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về phân hóa trong giáo dục?
Phân hóa là một hoạt động mà ở đó cần phải phân loại và chia tách các đối tượng, từ đó tổ chức, vận dụng nội dung, phương pháp và hình thức sao cho phù hợp với đối tượng ấy nhằm đạt hiệu quả cao.
Dạy học phân hóa là định hướng trong đó giáo viên tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, nhằm bảo đảm yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của những người học; trên cơ sở đó phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Người ta thường phân biệt giữa phân hóa trong và phân hóa ngoài. Phân hóa trong (còn gọi là phân hóa vi mô) là cách dạy học chú ý tới các đối tượng riêng biệt, cá nhân hóa người học trên lớp, phù hợp với từng đối tượng để tăng hiệu quả dạy học, kết quả phân hóa trong phụ thuộc chủ yếu vào năng lực và phương pháp của người dạy.
Phân hóa ngoài (còn gọi là phân hóa vĩ mô) là cách tổ chức dạy học theo các chương trình khác nhau cho các nhóm người học khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu, sở thích và năng lực của từng nhóm người học. Kết quả phân hóa ngoài phụ thuộc chủ yếu vào việc thiết kế nội dung chương trình các môn học.
Phân hóa trong, được coi trọng ở tất cả các cấp học; phân hóa ngoài được thực hiện tăng dần ở các cấp học trên ở giáo dục phổ thông, đặc biệt phân hóa mạnh ở các lớp cuối THPT.
Hiện có nhiều hình thức tổ chức dạy học phân hoá ngoài khác nhau, nhưng chủ yếu là hai hình thức sau: Tổ chức dạy học phân hóa theo hướng phân ban và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn.
- Dạy học phân hóa trong giáo dục có vai trò quan trọng như thế nào, thưa PGS?
Vì sao cần phân hóa trong chương trình giáo dục? Có thể nêu lên một vài lí do chính sau đây:
Thứ nhất, mỗi học sinh là một cá nhân không hoàn toàn giống nhau, có những sở thích, năng lực, sở trường khác nhau; với những động lực, điều kiện, hoàn cảnh học tập khác nhau.
Nhà trường cần trang bị cho mọi học sinh những tri thức phổ thông nền tảng, cốt lõi; đồng thời có nhiệm vụ giúp mỗi học sinh phát triển tối đa tiềm năng cá nhân của mình. Dạy học phân hóa tốt sẽ đáp ứng được yêu cầu vừa nêu.
Thứ hai, phân hóa là để đáp ứng yêu cầu phân công lao động trong xã hội và phân luồng học sinh. Do yêu cầu phát triển khoa học và đòi hỏi của thị trường lao động buộc nhà trường phổ thông, nhất là bậc THPT cần dạy học phân hóa để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nguồn học sinh cho giáo dục ĐH, CĐ cũng như các trường nghề đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực khoa học hoặc ngành nghề chuyên biệt.
PGS Đỗ Ngọc Thống |
Phân hóa ở chương trình giáo dục phổ thông mới
- Vậy trong chương trình GDPT mới, yêu cầu phân hóa được thể hiện như thế nào?
Quán triệt yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TW về xây dựng và chuẩn hoá nội dung GDPT theo hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”, chương trình GDPT mới thể hiện yêu cầu phân hóa trên hai bình diện lớn:
Phân hóa trong (vi mô) tiếp tục được quán triệt ở tất các các cấp, lớp học, tất cả các môn học/hoạt động giáo dục. Để thực hiện hướng phân hóa này, việc thiết kế yêu cầu cần đạt (chuẩn) của chương trình và đặc biệt cách biên soạn sách giáo khoa cần chú ý đến các yêu cầu và mức độ khác nhau của cùng một vấn đề/ đề tài.
Ngoài ra để phân hóa trong có hiệu quả cần đề cao phương pháp dạy học của giáo viên và cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Phân hóa ngoài (vĩ mô) được thể hiện ở các cấp theo 2 hình thức:
Xây dựng một số môn học theo các học phần (mô-đun) và các chủ đề khác nhau để học sinh tự chọn cho phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Theo hướng này, các môn học như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm ở Tiểu học; các môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm ở THCS đều được thiết kế thành các học phần và chủ đề để học sinh tự chọn.
Phân hóa bằng dạy học tự chọn ở THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) theo hướng: Học sinh học một số môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm ; còn lại sẽ được tự chọn 5 môn trong 3 nhóm môn ( mỗi nhóm ít nhất 1 môn) gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) ; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, tin học, Nghệ thuật)
Ở nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, nội dung các môn học cũng được biên soạn theo các học phần để học sinh lựa chọn cho phù hợp.
Ngoài ra chương trình THPT của hầu hết các môn học còn có hệ thống các chuyên đề học tập nhằm phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp.
Ở mỗi lớp cấp THPT, học sinh được chọn 3 cụm chuyên đề của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Chương trình GDPT mới còn thực hiện phân hóa ở các nội dung địa phương và các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ được thực hiện ở tất cả các cấp học.
- Xin cảm ơn PGS!
Vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, vừa phải bảo đảm khả thi trong điều kiện của Việt Nam là một bài toán cực khó, không chỉ đối với việc tích hợp và phân hóa trong chương trình GDPT.
Dựa vào các khó khăn trong thực tế để trì hoãn thì sẽ không bao giờ thực hiện được các ý tưởng và hội nhập được với xu thế đổi mới; nhưng“lạc quan tếu”; phớt lờ hiện trạng để đề ra các phương án lý thuyết quá“lý tưởng”cũng là ảo tưởng và sẽ thất bại".
PGS Đỗ Ngọc Thống