Thái Nguyên: Nỗ lực duy trì và nâng cao thu hút đầu tư

GD&TĐ - Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau 3 quý của năm 2020, Thái Nguyên vẫn đang nỗ lực để duy trì và nâng cao thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải kiểm tra thực tế tại Khu công nghiệp Sông Công II (Ảnh: thainguyen.gov.vn)
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải kiểm tra thực tế tại Khu công nghiệp Sông Công II (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Khó khăn “hậu Covid-19”

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vốn chưa được phục hồi “sức khoẻ” sau đợt dịch lần đầu. Có thể thấy rằng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do những hệ luỵ xấu từ dịch Covid-19.

Tính đến ngày 15/9/2020, Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 505 doanh nghiệp (giảm 7% so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký là 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm 44,2%). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng (bình quân cùng kỳ là 9,6 tỷ đồng/1 doanh nghiệp). Ngoài ra, trong 9 tháng năm 2020 có 211 doanh nghiệp mới hoạt động trở lại.

Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký mới, tập trung nhiều nhất là ở thành phố Thái Nguyên có 268 doanh nghiệp (chiếm 53,1%) với 1,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký; thành phố Sông Công có 57 doanh nghiệp với 336 tỷ đồng vốn đăng ký; thị xã Phổ Yên có 68 doanh nghiệp với 284 tỷ đồng vốn đăng ký; huyện Phú Bình có 35 doanh nghiệp với 130 tỷ đồng vốn đăng ký; huyện Đại Từ có 29 doanh nghiệp với 116 tỷ đồng vốn đăng ký; huyện Đồng Hỷ 21 doanh nghiệp với 85 tỷ đồng vốn đăng ký…

Theo phân tích tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 15/9/2020, toàn tỉnh có 11 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 30,97 triệu USD. Trong đó, có 10 dự án được cấp phép mới thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, tổng vốn đăng ký là 30,95 triệu USD; còn lại 01 dự án được cấp phép mới thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, vốn đăng ký khoảng 15 nghìn USD.

Trong tổng số 11 dự án được cấp phép mới có 9 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo; 01 dự án thuộc ngành kinh doanh bất động sản và 01 dự án thuộc ngành chuyên môn khoa hoc công nghệ. Tính lũy kế đến thời điểm ngày 15/9/2020, trên địa bàn tỉnh số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 156 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 8,2 tỷ USD (tương đương khoảng 189 nghìn tỷ đồng).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng trong quý III năm 2020 cho thấy: Có 53,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm 2020 tốt hơn quý trước; 30,2% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn, và 16% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Có 46,15% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm 2020 tốt hơn quý trước; 26,2% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn, và 27,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Công ty Cổ phần Aluminum Hàn Việt (Khu công nghiệp Điềm Thụy)
Công ty Cổ phần Aluminum Hàn Việt (Khu công nghiệp Điềm Thụy)

Những giải pháp tháo gỡ

Trước tình hình đó, Thái Nguyên đang nỗ lực và có những giải pháp cụ thể để kịp thời duy trì ổn định, từng bước nâng cao thu hút đầu tư, lấy lại đà tăng trưởng.

Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi xác định luôn đồng hành với các doanh nghiệp, duy trì và nâng cao thu hút đầu tư, đặc biệt là trước khó khăn trong tình hình hậu Covid-19. Các chính sách để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, đào tạo nghề và tư vấn hỗ trợ việc làm… đã đem lại kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp cơ bản duy trì hoạt động ổn định”.

Theo ông Trần Quốc Trung, trong thời gian tiếp theo, để việc đón làn sóng đầu tư hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện cở sở hạ tầng, tinh giản trong thủ tục hành chính, đặc biệt chú trọng thu hút các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát thải thấp.

Công ty Cổ phần Aluminum Hàn Việt (Khu công nghiệp Điềm Thụy) là công ty chuyên về tái chế, sản xuất nhôm. Với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, hiện Aluminum Hàn Việt đang sản xuất khoảng 5.000 tấn phôi nhôm mỗi tháng. Bà Đinh Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Chúng tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện rất lớn của các cơ quan ban ngành hữu trách. Từ việc cấp quyền sử dụng đất, đến giải quyết các thủ tục đầu tư vốn, tất cả đều được xử lí rất nhanh gọn. Điều đó giúp chúng tôi có nhiều thuận lợi và cảm thấy yên tâm để đầu tư, tập trung sản xuất kinh doanh”.

Theo phân tích và đề xuất của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tỉnh cần đẩy mạnh một số giải pháp để thúc đẩy phát triển: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính; Ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất (nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, hạ tầng khu công nghiệp, nguồn nhân lực, tiếp cận, thu hút có chọn lọc các dự án FDI)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...