Thái Lan: Trẻ nghèo kiếm học bổng trên ứng dụng thông minh

GD&TĐ - Tại ngôi làng Bang Nai Soi, Mae Hong Son (Thái Lan), HS đi lại khó khăn trong mùa lũ, không có Internet và phụ thuộc vào máy phát điện và năng lượng mặt trời. Từ tháng 7/2020, khoảng cách trên bắt đầu thu hẹp

Dự án Learning Coin giúp trẻ em nghèo được tiếp cận với tri thức.
Dự án Learning Coin giúp trẻ em nghèo được tiếp cận với tri thức.

Con đọc sách, phụ huynh được nhận tiền

455 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sống ở các cộng đồng dân tộc thiểu số và không quốc tịch tại Mae Hong Son, Nakhon Nayok và Yala đã nhận được các bài giảng và tài liệu đa ngôn ngữ từ ứng dụng LearnBig. Đây là dự án giúp đỡ trẻ em nghèo và biến thói quen đọc sách trở thành nền tảng để khuyến khích học tập suốt đời.

Dữ liệu về việc đọc sách hàng ngày của HS, bao gồm số giờ đọc đi kèm với các câu trả lời gửi qua ứng dụng, được ghi lại và phân tích, sau đó sẽ được thống kê để xét học bổng hàng tháng gửi đến các gia đình HS. Học viên có thể nhận được học bổng từ 800 - 1.200 baht mỗi tháng (từ 590.000 - 880.000 đồng) gửi về cho cha mẹ. Số tiền này chiếm khoảng 10% thu nhập trung bình của gia đình.

Chương trình thí điểm Learning Coin đầu tiên đã được triển khai vào năm 2018 với sự hỗ trợ của Tổ chức POSCO 1% và True Corp, hợp tác với Tổ chức Thanh niên nông thôn. Ngay khi vừa hoạt động, chương trình đã thu hút khoảng 150 người học ở Bangkok và Pathum Thani. Mô hình tính đến các yếu tố mang tính dân sinh, chẳng hạn như HS vừa học vừa có khả năng kiếm sống. Nó cũng có thể mở rộng để hỗ trợ những người học có thu nhập thấp và yếu thế không chỉ ở Thái Lan mà trên toàn khu vực.

Vai trò của UNESCO và Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Thái Lan trong việc phát triển mô hình này được củng cố bằng quan hệ đối tác sâu rộng với chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Bên cạnh đó là tăng cường cam kết đối với GD hòa nhập và bình đẳng thông qua các khoản đầu tư khiêm tốn hỗ trợ những học viên khó khăn nhất. Ở Thái Lan, cam kết này được đưa ra dựa trên Nghị quyết Nội các năm 2005 mang tính bước ngoặt về GD, theo đó yêu cầu GD cơ bản miễn phí cho mọi công dân.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi, kèm theo đó là sự gián đoạn lớn trong hệ thống GD, khiến nhiều trẻ em đứng trước nguy cơ vĩnh viễn không được đi học. Trẻ em gái và phụ nữ trẻ có nguy cơ gặp rủi ro, bao gồm việc không thể tiếp tục học tập và do đó, trọng tâm nhiệm vụ của LHQ là xây dựng lại chương trình GD tốt hơn, bình đẳng hơn.

“Chúng em rất thích đọc sách trong ứng dụng, đặc biệt là truyện tranh” – 1 trong 6 học viên nữ từ Ban Na Soi đăng ký tham gia chương trình cho biết – “Chúng em cũng có cơ hội học tiếng Karenni và tiếng Anh tại trung tâm và cố gắng luyện nói tiếng Thái và tiếng Anh với khách du lịch”.

Ở Yala, có 2 anh em tuổi vị thành niên đã phải bỏ chương trình học chính thức để chăm mẹ ốm và các em đã tham gia vào trung tâm học tập cộng đồng. Bố của các em là bảo vệ một trường học, ông rất tin vào sức mạnh của GD và mẹ các em cũng bắt đầu đọc các bài giảng để hỗ trợ con mình.

Một HS nghèo đọc sách từ ứng dụng của dự án Learning Coin.
Một HS nghèo đọc sách từ ứng dụng của dự án Learning Coin.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Vẫn còn những thách thức đáng kể đối với GD bình đẳng cho người dân tộc thiểu số, bé gái, phụ nữ trẻ và những cộng đồng bị thiệt thòi nhất khác ở Thái Lan.

Chaisri Taya, một GV sống cách làng Ban Na Soi 4km và làm việc tại Trung tâm Học tập Cộng đồng Jong Kham thuộc Văn phòng GD không chính quy và không chính thức (ONIE). Trước đây chính anh cũng là người không có quốc tịch. “Việc không có quốc tịch làm mất đi cơ hội học tập và phát huy hết tiềm năng của thanh niên. Vì tình trạng của mình, họ không tự tin khi đến trường. Các em đến học chương trình không chính thức và tôi đã thấy các em cố gắng rất nhiều” – anh nói.

Sau khi hoàn thành bằng cử nhân và nhập quốc tịch Thái Lan, Chaisri đã trở thành một hình mẫu trong cộng đồng của mình. Anh đã chia sẻ với trẻ em và thanh thiếu niên về những kinh nghiệm có được. HS làng Ban Nai Soi đi đến nhà anh và trung tâm học tập bằng xe máy rồi tải nội dung học vào máy tính bảng để có thể đọc ở nhà, tăng cơ hội nâng cao học vấn mà trước đây các em gặp trở ngại.

Những đứa trẻ này có tiềm năng và khát vọng giống như những đứa trẻ khác. Khi các em cố gắng hỗ trợ gia đình, ước mơ của các em rất đa dạng và tràn đầy hy vọng như trở thành bác sĩ, vận động viên, thông dịch viên… để có thể sống trọn vẹn trong cộng đồng của mình. Đây là những ước mơ xây dựng một xã hội lành mạnh và bình đẳng hơn.

Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, UNESCO Bangkok đang xây dựng chương trình GD dựa trên nhiệm vụ của mình là hòa bình và hòa nhập, GD bình đẳng, bình đẳng giới và tạo điều kiện cho những người học dễ bị tổn thương. Dự án Learning Coin được Bộ GD, Quỹ GD Bình đẳng, GV từ 53 trường công lập và trung tâm học tập cộng đồng của Thái Lan cùng SV tình nguyện từ Khoa GD của ĐH Chulalongkorn, Trung tâm Mercy ở Bangkok và Quỹ Vì cuộc sống tốt đẹp hơn của Trẻ em hỗ trợ.
Theo Bangkok Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.