Thái Lan quốc tế hóa các chương trình giảng dạy?

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới (MHESRI) Thái Lan, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học quốc tế mở cơ sở tại quốc gia này.

Sinh viên Thái Lan chưa quan tâm tới các chương trình học quốc tế hóa.
Sinh viên Thái Lan chưa quan tâm tới các chương trình học quốc tế hóa.

Chính phủ Thái Lan gần đây đã công bố kế hoạch thu hút các trường đại học quốc tế mở cơ sở tại quốc gia này nhằm biến Thái Lan thành một trung tâm giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, dự án này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia.

Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới (MHESRI) Thái Lan mới đây khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học quốc tế mở cơ sở tại quốc gia này.

Bộ trưởng MHESRI, ông Supamas Isarabhakdi, cho rằng việc mời các trường đại học nổi tiếng từ Anh, Australia và Trung Quốc sẽ giúp tăng trưởng thu nhập quốc gia và đưa quốc gia này trở thành trung tâm giáo dục quốc tế. Thái Lan có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như chi phí sinh hoạt hợp lý, cơ sở hạ tầng tốt.

Tuy nhiên, ý tưởng này không nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia. Một trong những lo ngại lớn nhất đến từ sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cơ sở giáo dục trong nước.

Ông Arnond Sakworawich - giảng viên tại Trường sau đại học về thống kê ứng dụng (NIDA), cảnh báo: “Sự gia tăng các cơ sở nước ngoài có thể khiến nhiều trường đại học địa phương phải đóng cửa. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh thấp và số lượng học sinh trong nước giảm khiến các trường đại học trong nước không thể cạnh tranh với các trường quốc tế nổi tiếng”.

Trên thực tế, Thái Lan đã thử nghiệm kế hoạch tương tự từ năm 2017. Tuy nhiên, nỗ lực này không mang lại kết quả như mong đợi. Nhiều trường đại học địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên địa phương, đặc biệt là khi họ thiếu kỹ năng tiếng Anh, một yếu tố quan trọng đối với các chương trình quốc tế.

Ngoài ra, nhu cầu về giáo dục xuyên quốc gia (TNE) tại Thái Lan hiện tại vẫn ở mức thấp. Mặc dù, Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên du học tại Anh, nhưng số lượng sinh viên Thái Lan theo học các chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) lại rất ít.

Một báo cáo của Hội đồng Anh cho biết, Thái Lan có thị trường TNE tương đối nhỏ, với ít sinh viên tham gia các chương trình giáo dục đại học của Vương quốc Anh tại Thái Lan. Điều này cho thấy mô hình chi nhánh quốc tế chưa thực sự thu hút sự quan tâm lớn từ sinh viên Thái Lan.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nếu Thái Lan muốn thu hút các trường đại học nước ngoài, chính phủ cần xây dựng các chương trình hợp tác tốt hơn, bao gồm thiết kế các chương trình giáo dục có khả năng thu hút sinh viên nước ngoài.

Các trường đại học Thái Lan đã bắt đầu triển khai các chương trình quốc tế, với phiên bản tiếng Anh của chương trình học phổ biến và sự tham gia của giảng viên quốc tế. Những chương trình này đặc biệt hấp dẫn đối với sinh viên từ Trung Quốc, quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Thái Lan ngày càng tăng.

Chuyên gia giáo dục Kamolrat Intaratat chia sẻ: “Các chương trình quốc tế giúp tăng cường môi trường học thuật để sinh viên có thể làm quen với thế giới sau khi tốt nghiệp và phải làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngoài ra, với sự sụt giảm trong số lượng sinh viên đăng ký trong nước, việc chào đón sinh viên từ nước ngoài rất quan trọng”.

Mặc dù, các chính sách thu hút các trường đại học nước ngoài có thể mang lại lợi ích kinh tế cho Thái Lan, nhưng nếu không được thực hiện cẩn trọng, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục trong nước.

Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng tác động của các kế hoạch này đối với các trường đại học địa phương, cũng như khả năng thực hiện các chương trình hợp tác hiệu quả với các cơ sở giáo dục quốc tế.

Trong những năm gần đây, các trường đại học Thái Lan đã cung cấp lựa chọn đào tạo bằng tiếng Anh cho một số chương trình truyền thống. Giảng viên nước ngoài sẽ phối hợp với giáo sư trong nước tổ chức học. Chương trình này dành cho sinh viên nước ngoài với mức học phí cao gấp 3 lần sinh viên trong nước.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ