Thái Lan: Học sinh phổ thông đi học trở lại

GD&TĐ - Sau 2 năm dịch gây gián đoạn việc học trực tiếp, từ ngày 17/5, Thái Lan cho phép học sinh phổ thông trở lại trường học trong bối cảnh nước này chuẩn bị đưa Covid-19 thành bệnh đặc hữu.

Trẻ em làm xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi đến trường.
Trẻ em làm xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi đến trường.

Ước tính, 35.000 trường học mở cửa lại. Phó Tổng cục trưởng Cục Y tế Thái Lan Sarawut Boonsook khẳng định trường học sẽ không đóng cửa nếu phát hiện học sinh, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường mắc Covid-19.

Trong trường hợp này, ban quản lý trường học sẽ phối hợp với cơ sở y tế địa phương tiến hành biện pháp phòng chống, bao gồm cả việc cách ly tại trường học.

Học sinh đã tiêm chủng đầy đủ, mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể đến trường, được bố trí ngồi cách bạn bè ít nhất 2m và không được tham gia các hoạt động nhóm. Nhóm học sinh có nguy cơ cao ngồi cách bạn bè 1m. Lớp học phải được thông gió và khử trùng.

Cục Y tế đề nghị học sinh Thái Lan chưa được tiêm chủng đầy đủ, có nguy cơ lây nhiễm cao tự cách ly tại nhà trong 5 ngày, tiếp tục theo dõi 5 ngày sau đó. Các em cần làm xét nghiệm nhanh vào ngày thứ 5 và ngày thứ 10 khi tiếp xúc với F0.

Còn Thư ký Thường trực Y tế Công cộng, Kiattibhoom Vongrachit khuyến khích giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân viên trường học nếu đi du lịch vào cuối tuần nên tự làm các xét nghiệm nhanh trước khi đến trường vì mọi người có thể vô tình tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

Các quy định học sinh, giáo viên phải xét nghiệm nhanh hàng tuần hoặc 3 - 5 ngày một lần không phải bắt buộc. Học sinh, giáo viên nên tự làm xét nghiệm nếu rơi vào tình huống nguy cơ cao.

TS Kiattibhoom thừa nhận Bộ Y tế Công cộng lo ngại vẫn có khả năng lây lan dịch bệnh trong trường học, đặc biệt sau khi Thái Lan mở cửa biên giới trở lại. Do đó, các biện pháp an toàn cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang mọi lúc, không tụ tập đông người... sẽ được thực hiện nghiêm ngặt tại các trường học.

TS Kiattibhoom cũng khuyến cáo cần tăng cường tiêm vắc-xin tăng cường cho trẻ 12 - 17 tuổi và tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi.

Về phía ngành giáo dục, các chuyên gia cho rằng, trường học cần hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trở lại trường sau 2 năm hầu như chỉ học trực tuyến.

Ông Sompong Jitradup, chuyên gia tại Quỹ Giáo dục Bình đẳng (EEF), đề nghị các nhà trường dành tháng đi học đầu tiên để hỗ trợ cảm xúc cho học sinh. Giáo viên nên tổ chức nhiều trò chơi, buổi trò chuyện, tham quan... giúp trẻ phục hồi tinh thần và tạo không khí vui vẻ, ấm áp.

PGS.TS Suriyadeo Tripathi, chuyên gia về phát triển trẻ em và gia đình, cho rằng căng thẳng kéo dài có thể gây tổn hại đến trẻ em. Trường học nên loại bỏ việc học vẹt, xếp loại cạnh tranh hoặc giao quá nhiều bài tập về nhà để giảm căng thẳng cho học sinh.

Ngoài ra, khi trường học mở cửa lại, các chuyên gia cho rằng cần giải quyết vấn đề bỏ học, vốn trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 năm qua. Ước tính đến năm 2021, Thái Lan có 7,2 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học, 1,9 triệu em trong số này có nguy cơ phải bỏ học.

Năm ngoái, hơn 230.000 học sinh bỏ học nhưng gần 200.000 em đã được hỗ trợ trở lại lớp học thông qua các dự án từ thiện khác nhau. Tuy nhiên, các em có thể tiếp tục bỏ học nếu không được hỗ trợ thêm.

“Trong khi nhiều học sinh Thái Lan vui mừng khi được trở lại lớp học, nhiều em lo lắng không biết tương lai mình sẽ đi về đâu vì gia đình không đủ khả năng đóng học phí. Những gì chính phủ thực hiện trong tháng này sẽ định hình tương lai giáo dục của trẻ em”, ông Sompong bày tỏ.

Theo Thai PBS World

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.