Đó là tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước vượt trên 19% dự toán; thu hút FDI đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%. Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đây là những tiền đề quan trọng cho năm 2025 - năm có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước; năm cuối thực hiện và về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Đồng thời, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5 - 10 năm tiếp theo.
Để có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% của năm, phấn đấu tăng trưởng 2 con số, điều quan trọng, như ý kiến của đại diện Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2025: “Cải cách - Kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” diễn ra mới đây là cần phân tích, đánh giá, làm rõ thêm một số khía cạnh.
Cụ thể đâu là những động lực tạo nên kết quả nổi bật của năm 2024 khi khó khăn, thách thức được nhìn nhận nhiều hơn cả thời cơ, thuận lợi? Nguyên nhân nào khiến thu ngân sách Nhà nước tăng cao và vượt dự toán? Những điểm nghẽn chủ yếu đang cản trở phát triển của nền kinh tế là gì? Nguyên nhân do đâu và những nội dung nào cần tháo gỡ? Những bài học có thể rút ra từ năm 2024 là gì…?
Đây là những vấn đề cần được làm rõ và có biện pháp tháo gỡ kịp thời, bởi theo dự báo năm 2025 và những tiếp theo, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, những biến động khó lường từ bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế. Theo đó, yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Có giải pháp tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để kiến tạo phát triển, phát huy cao nhất các nguồn lực mới cho tăng trưởng như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn lực đất đai, tài nguyên...
Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, bổ sung các động lực mới. Thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; kết nối đầu tư tư nhân với đầu tư công và đầu tư FDI nhằm tạo sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước.
Tại buổi gặp mặt các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, năm 2025 là năm rất quan trọng đối với đất nước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới. Chính vì vậy, đây chính là thời điểm để khởi điểm cho những tính toán về định hướng chiến lược.
Cho nên, vấn đề đặt ra như trong Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đây không chỉ là thách thức, mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.