GDP tăng 7,09%, vượt mục tiêu đặt ra
Thông tin tại Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xu hướng GDP quý sau cao hơn quý trước. GDP 2024 tăng 7,09% so với năm 2023. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong 15 năm qua, cho thấy kinh tế phục hồi rõ nét.
Trong tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ đóng góp 49,46%.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Tăng trưởng GDP năm 2024 cao hơn mức cận trên (6,5%) mà Quốc hội đề ra từ đầu năm, vượt các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Đây là một thành tựu vượt kỳ vọng, cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều nguồn lực tăng trưởng chưa được khai thác hết. Đồng thời, điều này phản ánh hiệu quả của các chính sách điều hành, đặc biệt trong việc thu hút nguồn lực vào tăng trưởng.
Chính sách này không chỉ thuộc riêng năm 2024 mà là kết quả của chuỗi chính sách từ các năm trước và bắt đầu phát huy tác dụng. Đây là chu kỳ chính sách thành công, mở ra thời kỳ tăng trưởng mới. Chính sách kinh tế có tính chu kỳ, thường kéo dài 7 - 10 năm, và Việt Nam đang ở giữa chu kỳ thứ 4, dự kiến còn 5 năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa”.
Đánh giá về các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng trong năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích: Tăng trưởng năm nay đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, kinh tế phục hồi với sức chống chịu cao: Năm ngoái tăng trưởng 5,05%, năm nay đạt 7,09%, tăng 2 điểm phần trăm.
Đây là kết quả của đầu tư công, tiêu dùng nội địa phục hồi và kỷ lục mới về thương mại, đầu tư quốc tế với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,3 tỷ USD, đầu tư nước ngoài thực tế đạt trên 25 tỷ USD.
Đầu tư công được thực hiện quyết liệt, với nhiều dự án lớn thành công như: Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, các dự án đường cao tốc, hạ tầng giao thông và khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận... Đầu tư tư nhân cũng tăng, với số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn khoảng 30.000 so với doanh nghiệp rút lui.
Ba trụ cột chính - khu vực công, doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài - đang hợp lực mạnh mẽ, tạo lực đẩy đạt mức tăng trưởng 7,09%. Kinh tế số tăng trưởng 16%, chiếm trên 16% GDP, cùng các lĩnh vực như thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế xanh và tuần hoàn, nông sản cải thiện giá trị thương mại.
Thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 300 - 400 USD, đạt khoảng 5.000 USD/người. Tất cả những yếu tố này cho thấy tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn và kỳ vọng tăng trưởng cao hơn trong những năm tới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 786 tỷ USD
Cũng theo Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2024, con số là 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.
Năm 2024 đã ghi nhận tới 37 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng này đã chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm, với trên 72,5 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, điện thoại và linh kiện đạt gần 53,9 tỷ USD, xếp vị trí thứ hai, tăng 2,9%. Tiếp theo, là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, với gần 52,2 tỷ USD, tăng 21%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt trên 35 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%.
Trong số các nhóm hàng nhập khẩu năm 2024, số liệu thống kê cho thấy, sơ bộ nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, thấp hơn mức xuất siêu 28,4 tỷ USD của năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.
Về thị trường, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình thu nhập và đời sống của hộ dân cư trong năm qua đã được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam sơ bộ năm 2024 khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó khu vực thành thị khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2024 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) ước khoảng 2,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2023.