Thách thức rất lớn xây hệ thống metro

GD&TĐ - Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro, giai đoạn 2024 - 2030, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành 96,8km metro. 

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bao gồm tuyến số 22, 33 và 5 với số vốn tính toán sơ bộ khoảng 14,6 tỷ USD.

Giai đoạn 2031 - 2035, dự kiến hoàn thành 301km metro gồm tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Nhu cầu vốn đầu tư làm metro trong giai đoạn này khoảng 22,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2036 - 2045, sẽ hoàn thành hơn 200km metro các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt với tổng nhu cầu vốn khoảng 18,2 tỷ USD.

Như vậy, chỉ riêng giai đoạn 2024 - 2030 và 2031 - 2035, dự kiến thành phố hoàn thành tới 10 tuyến metro với tổng chiều dài gần 400km. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mục tiêu này được cho là thách thức rất lớn bởi thực tế, các dự án đường sắt đô thị đã triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều phải mất tới 10 - 15 năm mới hoàn thành và kèm theo đó là số vốn đầu tư phải điều chỉnh cũng tăng rất nhiều.

Cụ thể, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2010 theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư lên tới 30.000 tỷ đồng, tăng 67%. Dù số vốn tăng như vậy nhưng phải đến năm 2029 mới hoàn thành.

Hay như với tuyến Cát Linh - Hà Đông, được khởi công từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong hơn 3 năm nhưng phải sau 10 năm mới chính thức vận hành, với 12 lần lỡ hẹn, số vốn tăng thêm tới 300 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 18.000 tỷ đồng, gần gấp đôi dự kiến ban đầu.

Tương tự, tại TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên triển khai từ năm 2012, tổng vốn trên 17.000 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2018 nhưng kéo dài 6 năm phải đến năm 2024 mới có thể vận hành và số vốn tăng lên gần 44.000 tỷ đồng, đội vốn trên 150%.

Đã có nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan được đưa ra để giải thích cho việc các dự án metro được triển khai thời gian qua bị đội vốn, chậm tiến độ. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là trong việc nghiên cứu, quy hoạch, chọn đối tác, đầu tư, thiết kế, tư vấn, xây dựng, thẩm định, dự toán, quản lý, tổ chức đấu thầu…

Vậy nên, để việc triển khai đề án đạt mục tiêu đề ra là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng; góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 50 - 55%; sau năm 2035 đạt 65 - 70%, điều quan trọng, như ý kiến của đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là trả lời câu hỏi làm gì để xây dựng 400km đường sắt metro để giải quyết các vấn đề về đi lại cho người dân? Câu hỏi tiếp theo đó là nguồn kinh phí vì đến năm 2035, thành phố cần tới 55 tỷ USD, trong khi đất nước còn nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn từng nhấn mạnh rằng, khi nhìn nhận cả quá trình đầu tư, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông mất từ 10 - 15 năm. Trường hợp nếu làm 10 tuyến metro như trong đề án theo phương thức từng tuyến một thì phải mất 100 năm may ra mới hoàn thành.

Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây là phải có giải pháp, cơ chế đột phá để giải quyết các vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Nếu không, các mục tiêu của đề án sẽ không thể thực hiện được. Hoặc nếu có thực hiện cũng rất dễ đi vào “vết xe đổ” của các dự án trước là chậm tiến độ, đội vốn, khó xác định thời điểm hoàn thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.