Một vài nơi may mắn có được cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại trong nhiều năm sẽ ít bị tác động của việc chuyển đổi. Tuy nhiên, hầu hết những nơi khác đang đối mặt với những thách thức liên quan tới gian lận học đường.
Nạn đạo văn
Một trong những thách thức hàng đầu của giáo dục trực tuyến là sự gian lận của sinh viên. Từng được gọi là “đạo văn”, việc sử dụng công sức hay sản phẩm của người khác để đưa vào bài tập hay bài thi của mình đang trở nên rất phổ biến. Cách thức này được gọi là một sự gian lận và hình thức đạo văn đang trở nên tinh vi hơn với sự hỗ trợ của các phần mềm thông minh.
Tất nhiên, lịch sử đã chứng kiến rất nhiều ví dụ về chuyện thí sinh tìm cách gian lận trong bài thi của mình. Nghiên cứu mới đây tại Đại học Charles Darwin của Úc đã nêu chi tiết về lịch sử này cùng với phạm vi, quy mô ngày càng tăng của vấn đề. Trong một nghiên cứu có liên quan từ Úc, người ta đã dùng phương pháp điều tra “khuyến khích nói thật” và kết quả cho thấy tỷ lệ sinh viên gian lận lên tới 10%.
Đó là một vấn đề đủ nghiêm trọng để các cơ quan quản lý phải công bố các tài nguyên như bộ công cụ trong học thuật giúp đối phó với vấn đề này. Một số chính phủ đã thông qua luật coi việc quảng cáo các dịch vụ gian lận trong học tập là vi phạm pháp luật, với hình phạt lên tới 100 nghìn USD. Tuy nhiên, trong một môi trường kỹ thuật số phát triển mạnh về tính ẩn danh và thúc đẩy các thuyết âm mưu, những người có ý định gian lận dường như được cung cấp thêm nhiều công cụ hơn.
Bùng nổ gian lận
Một nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng đột biến các dịch vụ hỗ trợ gian lận sau khi việc dạy học chuyển đổi sang kỹ thuật số khiến nhiều trường phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, một tìm kiếm đơn giản trên Google với cụm từ “trợ giúp bài tập” đã cho 279 triệu kết quả vào giữa tháng 6/2020 nhưng vào đầu năm 2021, số kết quả đã tăng lên tới 302 triệu.
Tìm kiếm cụm từ “trợ giúp bài thi trực tuyến” đã cho 538 triệu kết quả vào giữa tháng 6/2020 và 559 triệu kết quả vào đầu năm 2021. Mức tăng này lần lượt là 8% và 4% trong vòng chưa đầy một năm.
Sự tìm kiếm như trên xác nhận xu hướng gian lận đang gia tăng mặc dù Google không phải là một chỉ số mang tính toàn diện.
Bên cạnh đó, các dịch vụ gian lận và những quảng cáo đi kèm đang phát triển mau lẹ và được hỗ trợ tích cực bởi tính nhanh chóng và ẩn danh của các nền tảng truyền thông xã hội. Các trang web kinh tế và thậm chí cả những thông báo cũng xuất hiện quanh khuôn viên trường đại học bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.
Hậu quả nghiêm trọng
Có một cuộc chạy đua liên quan đến các dịch vụ hỗ trợ gian lận và tác động của nó là đa chiều.
Đây không chỉ là vấn đề gian lận mà các trường muốn tìm và loại bỏ để có được sự tin cậy. Có những hậu quả to lớn đối với sinh viên, trường đại học, nghề nghiệp và cộng đồng rộng lớn hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu một y tá được yêu cầu chăm sóc bệnh nhân đang mắc căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng trước đó cô bỏ qua những quy trình chi tiết cần thiết để chăm sóc người mắc bệnh này? Hay một kỹ sư kết cấu bỏ qua việc học lý thuyết về sự ổn định và động lực học sẽ tạo ra nguy cơ lớn mức nào khi xây dựng công trình?
Điều gì sẽ xảy ra nếu một luật sư bạn thuê không biết các biện pháp khắc phục trong luật hợp đồng? Bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ có đầy rủi ro nếu người lao động không nắm được kiến thức cần thiết cho công việc.
Chưa hết, các gia đình chi tiền cho việc học của con cái họ cũng sẽ chịu hậu quả, đặc biệt là khi con cái họ bị bắt quả tang. Khi đó, danh tiếng của các học giả và các trường đều bị ảnh hưởng cho dù họ có báo cáo hay không báo cáo những hành vi đó. Sự suy giảm về kỹ năng làm việc của người lao động trong các ngành nghề cũng diễn ra.
Các giải pháp cho vấn đề này đã được đề cập tới, nhưng chủ yếu là việc kết hợp giữa kiểm soát và áp dụng phần mềm “thông minh” sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Mặc dù vậy, không có gì ngăn cản sự sáng tạo của các dịch vụ hỗ trợ gian lận nhằm khai thác khả năng của AI trong một cuộc cạnh tranh xem bên nào thông minh hơn.
Thay đổi cách đánh giá?
Trong số các câu hỏi thú vị xuất hiện từ nghiên cứu này, có những vấn đề liên quan đến việc thiết kế cách đánh giá và tính khả thi khi áp dụng. Một số câu hỏi được đặt ra như: Những đánh giá dựa trên các bài kiểm tra viết và không có giám thị có hiệu quả hay không? Làm sao để có thể hiệu chỉnh lại các hoạt động đánh giá để nó có hiệu quả cao nhất? Liệu việc sinh viên tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau có thể thay đổi các chức năng cốt lõi của việc giảng dạy hiện nay không?
Những câu hỏi như trên có vẻ không thực tế nhưng một số nghiên cứu liên quan đã chỉ ra, việc đưa các bài thuyết trình bằng miệng, kiểm tra trực tiếp hay đánh giá ngay tại lớp học sẽ là một phần của giải pháp.
Điều khiến các nhà nghiên cứu chú ý là việc gian lận của sinh viên thể hiện qua một số các hành vi được môi trường kỹ thuật số ngày càng phức tạp hỗ trợ. Trong môi trường này, sự ẩn danh dễ bị lợi dụng để thực hiện những việc đáng lên án.