Thách thức đổi mới tuyển sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ngoại trừ khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên tuân thủ ngưỡng tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi trường/ngành đại học đều có mức sàn riêng, trong đó phổ biến từ 15 - 20 điểm.

Có khoảng 20 phương thức xét tuyển được công bố, 9 kỳ thi riêng trong mùa tuyển sinh năm 2023 nhưng đến thời điểm này, xét điểm thi tốt nghiệp vẫn là phương thức chủ đạo ở các trường.

Theo đề án tuyển sinh được công bố, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi khoảng từ 30 - 80% tùy trường và dự kiến sẽ có thêm nhiều trường điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho phương thức này. Đáng chú ý, năm nay số lượng thí sinh xét tuyển sớm vào trường đại học đều giảm đáng kể so với năm trước, nên các đơn vị buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại cho xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, năm 2022, thống kê của Bộ GD&ĐT, các trường đại học có khoảng 18 phương thức xét tuyển nhưng phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất vẫn là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 47,98%. Một số phương thức xét tuyển có số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu như: Xét tuyển qua phỏng vấn (0,00% tỷ lệ thí sinh nhập học); xét kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn (0,01%); sử dụng chứng chỉ quốc tế (0,13% thí sinh nhập học).

Những chuyển động về chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp cho thấy, đa số cơ sở giáo dục đại học vẫn đề cao kết quả kỳ thi. Đây là minh chứng cho thấy Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, kỷ cương, chất lượng.

Đặc biệt năm nay, đề thi có độ phân hóa tốt hơn, việc thí sinh đạt mức điểm trên 8 là khó, nhất là môn Toán, Lý (thuộc tổ hợp môn xét tuyển phổ biến), khó có điểm chuẩn 30 nên các trường càng dễ dàng lựa chọn thí sinh. Thế nhưng, việc chỉ tiêu tuyển sinh dựa chủ yếu vào phương thức điểm thi tốt nghiệp cũng đồng thời cho thấy công tác đổi mới tuyển sinh đại học vẫn còn nhiều thách thức.

Đổi mới tuyển sinh, giảm dần phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT là những lưu ý quan trọng của Bộ GD&ĐT trong các mùa tuyển sinh gần đây. Thực tế cho thấy nỗ lực đổi mới tuyển sinh của trường đại học là không thể phủ nhận khi có nhiều phương thức tuyển sinh mới xuất hiện, đặc biệt kỳ thi riêng của ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội đã lan tỏa những hiệu ứng tích cực.

Nhưng nhìn chung xu thế không thay đổi nhiều khi tỷ trọng xét tuyển bằng phương thức điểm thi vẫn chủ đạo; phương thức xét học bạ có tăng nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về chất lượng và sự công bằng, còn các phương thức khác là không cao so với tổng thể.

Trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đã có dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, các hình thức xét tuyển đại học bắt buộc có cải tiến, cập nhật xu hướng cho phù hợp. Những kỳ thi riêng do nhóm trường tổ chức dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn, được chấp nhận rộng rãi, nhưng xu hướng này được dự đoán sẽ không cao bằng kết quả thi của các trung tâm khảo thí độc lập, vì việc tổ chức thi là tốn kém, vất vả.

Tại hội nghị tuyển sinh các năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã đề cập đến định hướng thành lập trung tâm khảo thí độc lập do nhiều trường, hiệp hội xây dựng… nhưng đến nay vẫn chưa nên hình hài. Tháo gỡ rào cản, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành trung tâm khảo thí độc lập, bảo đảm dịch vụ tin cậy để các trường sử dụng kết quả xét tuyển đại học vẫn là hướng đi được đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ